Mỹ đưa ra sách lược chống lại ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông

ANTD.VN - Các chuyên gia của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc đã đưa ra những nhận định và đề xuất tại phiên điều trần đầu tiên của Thượng viện Mỹ vào ngày 16-7-2019, theo đó, để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran tại Trung Đông, Mỹ phải duy trì sự hiện diện ngoại giao và quân sự mạnh mẽ ở nước láng giềng Iraq.

Theo bà Joan Polaschik, phó trợ lý thư ký của Cục Các vấn đề vùng Cận Đông tại Bộ Ngoại giao, trong những năm qua, Iran đã mở rộng quyền kiểm soát ở khu vực Trung Đông bằng cách đầu tư mạnh vào Iraq. Trong khi Mỹ đã chi 20 tỷ đô la từ năm 2003 đến 2011 cho quân đội Iraq, nhưng vẫn là không đủ để ngăn chặn sự lớn mạnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và sự gia tăng các cuộc tấn công chống lại Iraq.  Ông Michael Mulroy, phó trợ lý thư ký của Lầu Năm góc về các vấn đề Trung Đông đã báo cáo với  Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng “Mức chi này đòi hỏi phải tăng thêm ít nhất 5 tỷ đô la nữa”. Ông này cũng lưu ý rằng chi tiêu cho quân đội Mỹ ở Iraq đã giảm từ 150 tỷ đô la năm 2008 xuống còn 15 tỷ đô la vào năm 2019.

Vào tháng 5 năm 2019, các nhân viên ngoại giao của Mỹ đã tạm thời rút khỏi Baghdad giữa lúc căng thẳng leo thang với Iran.

Binh lính Mỹ và Iraq tại Taji, Iraq

Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sĩ Mitt Romney cho biết các nhân viên ngoại giao cần quay trở lại để hỗ trợ chính phủ trong những thách thức to lớn đang gặp phải. “Tôi khuyến khích chính quyền cập nhật thông tin tình báo về việc đánh giá mối đe dọa của Iran và khôi phục sự hiện diện ngoại giao đầy đủ càng sớm càng tốt” ông Mitt Romney bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Chris Murphy thì lại cho rằng, rất khó có thể có những mối đe dọa lớn hơn những gì phiến quân của tổ chức ISIS đã từng gây ra, và Mỹ sẽ sớm quay về với “chức năng chính trị” của mình, nếu không đó sẽ như một lời mời  ISIS quay trở lại và các nguy cơ chính trị lâu dài xuất phát từ Baghdad có thể khiến nhiều người Mỹ thiệt mạng hơn.

Ông Philip Smyth, một chuyên gia về quan hệ Mỹ và Trung Đông tại Trường Đại học Washington lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Iraq. Ông cho biết, việc duy trì một lực lượng trên mặt đất sẽ gửi thông điệp tới người Iran, rằng họ không thể tự tung tự tác làm những gì họ muốn, rằng nhiệm vụ trọng tâm của quân đội Mỹ tại Iraq không chỉ là chống lại quân nổi dậy và hỗ trợ chính phủ mà còn thể hiện màn trình diễn vũ lực chống lại chủ nghĩa bành trướng của Iran.

Bà Polaschik nói rằng chính sách của Mỹ tại Iraq hiện giờ là tập trung vào các nhu cầu ổn định tức thời như viện trợ nhân đạo, ngay cả khi đang gặp những thách thức không nhỏ về cơ sở hạ tầng. “Chúng tôi đang nỗ lực cải cách các quy định để tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn”, bà nói.

Lính Mỹ ở Iraq

Việc tăng cường sự hiện diện ngoại giao và quân sự của Mỹ tại Iraq là có cần thiết hay không, việc này cần sự cân nhắc và xem xét của chính phủ Mỹ, nhưng tựu chung, trong tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột vũ trang như hiện nay, thì bất kỳ sách lược chính trị và quân sự nào đưa ra vào thời điểm này đều có thể khiến cho cục diện giữa các bên thay đổi.