Mỹ do thám Ấn Độ phát triển tên lửa hạt nhân như thế nào?

ANTD.VN - Theo một tài liệu được công bố bởi cựu nhân viên tình báo Edward Snowden, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã biết về các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Sagarika và Dhanush của Ấn Độ vào đầu năm 2015.

Mới đây, tờ Intercept đã dẫn các tài liệu từng được cựu điệp viên Edward Snowden bàn giao cho các phóng viên vào năm 2013, trong đó tiết lộ việc NSA đã biết được việc Ấn Độ đang phát triển tên lửa hạt nhân từ khi dự án này mới chỉ còn trên giấy.

Theo tài liệu này, một cơ sở của NSA tại Australia, có tên mã là RAINFALL đã "thành công trong việc định vị các tín hiệu của một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân Ấn Độ" từ tháng 10-2004.

Trong khi đó, một cơ sở thu thập tín hiệu vệ tinh của NSA ở Thái Lan với tên mã là LEMONWOOD đã hợp tác với Chi nhánh Phân tích các tín hiệu chưa xác định để "cô lập các tín hiệu này" và xác nhận mối quan hệ giữa nó với kho vũ khí hạt nhân Ấn Độ. Nhiều thiết bị hiện đại đã được bổ sung tới LEMONWOOD nhằm giúp đạt được mục tiêu này.

"Ngay sau khi sử dụng các thiết bị mới, việc thu thập thông tin mang lại hiệu quả một cách ngoạn mục”, tài liệu trên cho biết, đồng thời khẳng định rằng, việc này đã khiến Mỹ có được dữ liệu về tên lửa Sagarika và Dhanush rất nhiều năm trước khi chúng được quân đội Ấn Độ thử nghiệm.

Mỹ phát hiện ra Ấn Độ phát triển tên lửa hạt nhân từ năm 2005

Tên lửa đạn đạo Sagarika đã bắt đầu được phát triển từ những năm 1990 nhưng phải đến năm 2008 nó mới được thử nghiệm lần đầu tiên. Nó có thể được phóng cả từ hệ thống trên bộ lẫn từ tàu ngầm, đồng thời mang đầu đạn 500kg, cùng tầm bắn 700km.

Trong khi đó, Dhanush lại là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn phóng từ các tàu chiến, với khả năng mang theo đầu đạn 500kg và tầm bắn 250km. Lần đầu tiên nó được thử nghiệm thành công là vào năm 2016, hơn một thập kỉ sau khi NSA thu được thông tin về dự án.

Theo Intercept, lúc đó Mỹ chỉ phán đoán 2 vũ khí hạt nhân trên của Ấn Độ là 2 loại bom thả từ trên không chứ không phải tên lửa phóng từ tàu chiến.