Mỹ điều tàu sân bay đến Nhật, ký thỏa thuận hợp tác quân sự với Trung Quốc

ANTĐ - Ngày 15-6, truyền thông thế giới đưa tin, Washington vừa có 2 động thái trái ngược nhau khi vừa điều tàu sân bay hạt nhân CVN-76 USS Ronald Reagan đến Nhật, hành động được cho là nhằm kiềm chế Trung Quốc, vừa ký thỏa thuận hợp tác trên lĩnh vực quân sự với Trung Quốc.

Theo thông tin trên cổng thông tin của hải quân Mỹ, tàu sân bay hạt nhân CVN-76 USS Ronald Reagan, lớp Nimitz sẽ được Hoa Kỳ phái đến căn cứ hải quân tại Nhật Bản để thay thế cho tàu sân bay cũ CVN-73 USS "George Washington" hiện đang đồn trú tại đây.

Việc Mỹ điều động tàu sân bay đến Nhật Bản được truyền thông thế giới cho là hành động tăng cường lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, nằm trong chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ về châu Á, nhằm đối phó với sự trỗi dậy “không hòa bình” của Trung Quốc.

Trong thời gian tới, rất có thể tàu sân bay này sẽ tham gia các chuyến tuần tra biển Đông cùng với các chiến hạm của các nước đồng minh Nhật bản, Australia…, nhằm gây sức ép với những hành động xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, thay đổi hiện trạng biển Đông của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 15-6, truyền thông thế giới còn đưa tin về việc Washington và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Đây được coi là văn bản hợp tác chính thức đầu tiên giữa quân đội 2 nước trong hàng chục năm qua.

Văn bản này được ký kết trong chuyến thăm Washington của Thượng tướng Phạm Trường Long - Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc và 3 thượng tướng khác của PLA.

Tàu sân bay CVN-76 USS Ronald Reagan sẽ thay thế cho tàu sân bay CVN-73 USS George Washington

Hiện nội dung của thỏa thuận này chưa được công bố nhưng theo thông tin “rò rỉ” của giới truyền thông, rất có thể trong thời gian tới Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức các cuộc tập trận chúng nhằm tìm ra biện pháp tránh những va chạm không đáng có giữa hải- không quân 2 nước.

Được biết trong thời gian qua, Mỹ đã tuyên bố sẽ điều nhiều tàu chiến, máy bay đến tuần tiễu trên Biển Đông, trong bối cảnh các nước láng giềng phản đối quyết liệt và cộng đồng quốc tế chỉ trích gay gắt các hành động đắp bồi đảo nhân tạo tại 7 đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đáp trả lại, Bắc Kinh đã lên án hành động của Mỹ và kêu gọi Washington ngừng ngay những hành động “gây căng thẳng trên Biển Đông”. Đồng thời nước này cũng tuyên bố sẽ dùng những biện pháp “mạnh” nhằm đáp trả những hành động mang tính chất “khiêu khích” của Mỹ.

Ví dụ như ngày vừa qua, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8A của Mỹ từ các căn cứ của Nhật đã bay tuần tra khu vực tác nghiệp xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, bất chấp việc lực lượng quân sự của nước này đã 8 lần cảnh cáo chiếc P-8.

Bởi vậy, việc Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận này được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, bởi nó có ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.