Mỹ điều 12 "lợn lòi" A-10 Thunderbolt II đến châu Âu "ứng phó" với Nga

ANTĐ - Bộ Chỉ huy châu Âu (EUCOM) của Mỹ vừa tuyên bố rằng, Washington sẽ triển khai 12 chiếc máy bay tấn công A-10 Thunderbolt II đến châu Âu như một phần của chiến dịch “Quyết tâm Đại Tây Dương”.

EUCOM cho biết, khoảng 300 binh lính và thiết bị hỗ trợ sẽ được triển khai cùng các máy bay này.
“Mỹ sẽ triển khai 12 chiếc A-10 Thunderbolt II đến các căn cứ dọc châu Âu như một biện pháp tăng cường an ninh, hỗ trợ cho chiến dịch Quyết tâm Thái Bình Dương. Những địa điểm trú ngụ cụ thể của A-10 tại châu Âu sẽ được công bố khi nó chính thức được triển khai”, thông cáo EUCOM cho hay.

Những máy bay A-10 sẽ tham gia tập trận với các đồng minh NATO và đối tác châu Âu nhằm tăng cường khả năng chiến đấu và chứng minh cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ ổn định và an ninh châu Âu.
Mỹ điều 12 "lợn lòi" A-10 Thunderbolt II đến châu Âu "ứng phó" với Nga ảnh 1Máy bay tấn công A-10 Thunderbolt II

A-10 Thunderbolt II là loại phi cơ tấn công mặt đất và chi viện của Mỹ. Máy bay này có một chỗ ngồi, hai động cơ phản lực, do hãng Fairchild-Republic sản xuất. Nó hỗ trợ cho lực lượng bộ binh bằng cách tấn công xe tăng, xe bọc thép và các mục tiêu mặt đất khác, cũng như được sử dụng để tấn công ngăn chặn tiếp viện của đối phương.

Đây là chiếc máy bay đầu tiên của không quân Mỹ thiết kế riêng cho nhiệm vụ yểm trợ cận chiến từ trên không. A-10 Thunderbolt II có chuyến bay đầu tiên vào năm 1972 và chính thức biên chế vào không quân Mỹ năm 1977. Hiện Mỹ đang có tổng cộng 715 chiếc A-10 Thunderbolt II với chi phí mỗi chiếc khoảng 18,8 triệu USD (thời giá năm 2004) và mỗi giờ bay tiêu tốn 17.700 USD (theo giá năm 2013).

Quân đội Mỹ khởi động chiến dịch Quyết tâm Đại Tây Dương từ mùa xuân năm 2015 trong một nỗ lực nhằm củng cố lại sức mạnh của các đồng minh trước những mối quan ngại quân sự từ Nga.

Chiến dịch này bao gồm hàng loạt các bài tập trận và huấn luyện bắt đầu từ Ba Lan và các nước Baltic (Lithuania, Latvia và Estonia), nhưng giờ đã được mở rộng ra Romania, Bulgari và nhiều nước NATO khác.

NATO đã tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu và biển Đen kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 4-2014. Trong khi đó, Nga cũng đáp trả bằng việc đẩy mạnh cường độ của các cuộc tập trận, cũng như các chiến bay tuần tra giáp biên giới các nước NATO.