Mỹ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa cho châu Âu ở Romania

ANTĐ -  Một căn cứ quân sự của Mỹ ở Deveselu, Romania đang được hoàn thiện và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015 như một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mà NATO có kế hoạch xây dựng, Văn phòng Hải quân Mỹ tuyên bố.

“Căn cứ ở Deveselu, Romania sẽ được triển khai khẩu đội tên lửa đánh chặn SM-3 và hệ thống rada Aegis SPY-1. Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis là thành phần quan trọng trong kế hoạch triển khai ô phòng thủ tên lửa ở châu Âu của Tổng thống Obama, nhằm bảo vệ quân đội Mỹ và đồng minh trước các mối đe doạ trong khu vực”, theo tuyên bố của Văn phòng Hải quân Mỹ.

Mỹ đặt hệ thống phòng thủ tên lửa cho châu Âu ở Romania ảnh 1
Hình ảnh bên ngoài căn cứ ở Deveselu, Romania

Ý tưởng xây dựng lá chắn tên lửa này được khởi xướng bởi cựu Tổng thống George W. Bush và là phản ứng của quân đội NATO trước mối đe doạ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ Trung Đông. Chuẩn đô đốc John Scorby được đề bạt làm sĩ quan chỉ huy trưởng của căn cứ Deveselu. 

Một căn cứ tương tự sẽ được thành lập ở Ba Lan và đi vào hoạt động từ năm 2018. Mỗi nơi sẽ được đặt tổng cộng 24 tên lửa SM-3 bệ phóng thẳng đứng. Mỹ đã khẳng định hệ thống tên lửa SM-3 này không hề có khả năng tấn công. 

Nga đã từng bày tỏ sự không hài lòng với việc thành lập căn cứ quân đội này, nhất là trong giai đoạn căng thẳng giữa Moscow và phương Tây đang tăng cao. Moscow đã đặt ra câu hỏi rằng liệu chương trình phòng thủ tên lửa này có nhằm mục đích chống lại những mối đe doạ chiến lược từ Iran hay Triều Tiên như Mỹ vẫn nói. Hơn nữa, Moscow cũng e ngại nó sẽ đe doạ khả năng phòng thủ tên lửa của Nga và an ninh chung. 

Vào tháng 12-2014, Nga xác nhận đã triển khai hệ thống phóng tên lửa Iskander tới vùng Kaliningrad, nhằm phản ứng với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Lời cảnh báo triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Iskander đến Kaliningrad được đưa ra lần đầu tiên bởi cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vào năm 2008.

Nga luôn nghi ngờ rằng Mỹ không chỉ triển khai tên lửa phòng thủ đến châu Âu mà cả vũ khí tấn công chiến lược. Moscow đã hi vọng Mỹ sẽ rút hệ thống phòng thủ tên lửa của mình khi Iran và nhóm P5+1 đạt được thoả thuận tạm thời vào 24-11-2013, tuy nhiên NATO vẫn kiên quyết với kế hoạch của mình.