Mỹ đánh giá đúng vị thế Việt Nam

ANTĐ - Đúng vào dịp Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và hội đàm cấp cao với Tổng thống Barack Obama. Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), xung quanh chuyến thăm lịch sử này.

Mỹ đánh giá đúng vị thế Việt Nam ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama 

Vượt qua sự khác biệt

- PV: Hãng tin Bloomberg (Mỹ) hôm qua 8-7 cho rằng: “Lịch sử nặng nề” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang được thay bằng mối quan hệ dựa trên các quyền lợi kinh tế, an ninh chung trong khu vực. Ông bình luận gì về những nhận định trên? 

- PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an): Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ theo lời mời của chính quyền Tổng thống Barack Obama là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng. Tôi đồng tình với hãng tin Bloomberg khi nói: “Điều gì thúc đẩy tạo nên sự kiện này? - Đó chính là lợi ích”.

Trong mối quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ có rất nhiều lợi ích, nhưng có lẽ, lợi ích kinh tế và an ninh chính trị là động lực thúc đẩy hai quốc gia đến với nhau sau cuộc chiến tranh 1954-1975, trở lại thành những người bạn bình đẳng, hợp tác vì mục tiêu chung, vì lợi ích hai bên, góp phần vào hòa bình ổn định và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đã trải qua chặng đường 20 năm (1995-2015), có nhiều giai đoạn thăng trầm và cả những thử thách. Trong chuyến đi năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký với Tổng thống Obama tuyên bố chung khẳng định khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam – Hoa Kỳ.

Đó là điểm nhấn sau 18 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và ở năm thứ 20 này, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thêm một bước tiến mới là thúc đẩy và làm sâu sắc thêm, đưa mối quan hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ lên tầm cao mới.

- Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Tổng thống, Phó Tổng thống và chính giới Mỹ đón tiếp rất trọng thị. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Tổng thống Obama và chính giới Mỹ tiếp đón trọng thị với tư cách người đứng đầu một quốc gia. Điều này phản ánh rõ vị thế của Việt Nam trong “bàn cờ chính sách đối ngoại” của Hoa Kỳ ở châu Á. Nếu Việt Nam không được đánh giá cao thì chuyến thăm này không dễ dàng có được, bởi Mỹ với tư cách là siêu cường quốc, hoạt động ngoại giao phủ khắp thế giới, quan hệ với 217 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thời gian qua, quan hệ Việt - Mỹ phát triển khá nhanh. Từ hai quốc gia thù địch, sau 20 năm trở thành đối tác toàn diện. Hoa Kỳ là một siêu cường, chi phối tiến trình phát triển chung của thế giới. Còn Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, theo thể chế chính trị Đảng Cộng sản lãnh đạo. Việc hai bên đã vượt qua được sự khác biệt về thể chế chính trị rõ ràng là bước tiến rất lớn. Qua đó mới đánh giá hết vai trò, giá trị của cuộc đối thoại này.

Mỹ đánh giá đúng vị thế Việt Nam ảnh 2

PGS-TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an)

Lấp đầy khoảng trống để vươn tới tầm cao mới

- Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ, Tuyên bố chung về tầm nhìn chiến lược Việt - Mỹ đã được ký kết. Nâng tầm quan hệ ngoại giao và hợp tác trong mọi lĩnh vực là xu hướng hai nước đang quan tâm, nhưng trong quá trình thúc đẩy chắc chắn khó tránh những rào cản. Ông có thể phân tích kỹ hơn về vấn đề này?

- Trong Tuyên bố về tầm nhìn chung vừa ký kết, hai bên đã cam kết tiếp tục thúc đẩy, mở rộng mối quan hệ hợp tác toàn diện, nâng lên tầm cao mới. Tôi cho đó là quyết tâm chính trị của cả Hoa Kỳ và Việt Nam, phù hợp với lợi ích đôi bên và phù hợp với xu thế hòa bình ổn định phát triển toàn diện của khu vực. Đó là định hướng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sẽ thành công. Nhưng trong quá trình đó, chúng ta cũng thấy được những lực cản, khó khăn mà cả hai quốc gia phải vượt qua. Khó khăn thứ nhất đến từ chính chúng ta. Mỗi bước tiến thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ, ngay trong nội bộ Việt Nam không phải khi nào cũng tạo ra được sự đồng thuận 100%. Điều này dễ hiểu, vì 20 năm chưa đủ thời gian để khắc phục hoàn toàn những vết thương sâu thẳm trong lòng người. Cùng với đó, chúng ta phải giải quyết những vấn đề chính trị nội bộ, những vấn đề xã hội, hậu quả chiến tranh để lại.

Về phía Hoa Kỳ, tôi cho rằng, cơ quan hành pháp Mỹ nhận thức rõ ràng vai trò, vị thế của Việt Nam ở châu Á - Thái Bình Dương và chính giới Hoa Kỳ cũng đánh giá được Việt Nam có vị trí quan trọng trong chủ trương xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của họ. Tuy nhiên, ngay trong nội tại Hoa Kỳ, hiện nay, một số nghị sỹ, nhất là trong Đảng Cộng hòa cũng không mặn mà, cá biệt còn có người tìm cách gây khó khăn, cản trở việc nâng mối quan hệ Việt - Mỹ lên tầm cao mới. 

Rào cản thứ hai là nhân tố quốc tế. Khi Việt - Mỹ nâng tầm quan hệ, rất nhiều quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ… sẽ ủng hộ nhưng có quốc gia thì không, điển hình như Trung Quốc. Phải thẳng thắn nhìn nhận, mỗi bước tiến trong quan hệ Việt - Mỹ đều chịu tác động nhất định từ nhân tố Trung Quốc, trong đó có cả chiều tích cực nhưng phần nhiều mang tính kìm hãm, xuất phát từ lòng tin chiến lược. Chính bởi lòng tin chiến lược giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và giữa Việt Nam với Trung Quốc còn những khoảng trống mà các bên phải lấp đầy, vì thế tác động thường xuyên tới quan hệ Việt - Mỹ.

Ngoài ra, một cản trở khác đến từ sự chênh lệch về kinh tế, về trình độ phát triển vì thẳng thắn mà nói, trình độ khoa học kỹ thuật của Mỹ đi trước chúng ta 50-70 năm. Sự hợp tác giữa 2 quốc gia đồng đều về trình độ phát triển thường dễ dàng hơn là có sự chênh lệch.

- Trong Tuyên bố chung, hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và đe dọa làm phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định. Theo ông, ý nghĩa chiến lược của những động thái của Mỹ tại Biển Đông là gì? Ông có thể phân tích tác động của mối quan hệ tốt đẹp Việt - Mỹ trong việc góp phần giữ vững môi trường hòa bình trên Biển Đông nói chung, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói riêng? 

- Biển Đông là “điểm nóng” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không ai có thể phủ nhận điều này nhất là trong hơn một năm nay, Trung Quốc có nhiều hành động sai trái vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đặc biệt, trong 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép và cải tạo trái phép, đá Gạc Ma và Chữ Thập nắm vị trí như 2 đồn biên phòng chốt chặn 2 cửa vào Biển Đông. Khi cải tạo xong các đá này thì các căn cứ quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương sẽ nằm trong tầm khống chế của Trung Quốc. Vì vậy, việc Trung Quốc biến các bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành căn cứ quân sự đã tạo nên bức xúc, trực tiếp đe dọa an ninh, lợi ích không chỉ của Mỹ mà còn của cộng đồng quốc tế.

Điều đó lý giải vì sao từ tháng 3 vừa qua, trong các phát ngôn hay phát biểu tại các hội nghị quốc tế cấp cao, đại diện của Mỹ lên án rất gay gắt, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Điều đó cho thấy, Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ vừa ký kết có nhắc tới vấn đề Biển Đông là rất có ý nghĩa, thể hiện quyết tâm của cả hai quốc gia, đồng thời cũng là tiếng nói của cộng đồng quốc tế, yêu cầu tất cả quốc gia liên quan phải có trách nhiệm hành xử đúng theo Hiến chương Liên hợp quốc.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Những điểm làm nổi bật mức độ hợp tác trong việc mở rộng quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam:

- Hoa Kỳ hiện nay là nhà đầu tư FDI hàng đầu cũng như là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

- Năm ngoái Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ trong số 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với kim ngạch xuất khẩu đạt 30,6 tỷ USD vào năm 2014.

- Trao đổi ngoại giao cấp cao hiện đã trở thành chuẩn mực.

- Về mặt an ninh, các tàu của Hải quân Hoa Kỳ đã thực hiện hơn 15 chuyến thăm tới cảng từ năm 2003 và tiến hành đợt huấn luyện hải quân chung với Việt Nam vào năm 2010.

- Cả Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục hợp tác với nhau trong việc giải quyết các di chứng từ cuộc chiến tranh Việt Nam - khó khăn nhất trong số đó là ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin và việc loại bỏ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trong đất của Việt Nam.

- Hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai quốc gia sẽ là tiêu chuẩn cho mối quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam.

- Việt Nam và Hoa Kỳ hiện đang đàm phán về chương trình Peace Corp trong đó bao gồm việc cho phép các tình nguyện viên của Peace Corp tới dạy tiếng Anh ở những vùng nông thôn của Việt Nam.

(Trích nhận định đăng trên “The Washington Times”, đúng vào ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Obama tại Nhà Trắng)