Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia 2015

ANTĐ -  Ngày 6-2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới của nước này với cam kết nước Mỹ sẽ tiếp tục lãnh đạo các vấn đề cấp bách của thế giới, nhưng phản ánh một chính sách thận trọng của ông trong việc can thiệp tại nước ngoài. 

Đây là văn bản chiến lược an ninh quốc gia thứ 2 của Tổng thống Obama kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng năm 2008 và cũng là chiến lược an ninh quốc gia cuối cùng làm định hướng cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong 2 năm cầm quyền còn lại.

Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015, dài 29 trang, xác định nước Mỹ vẫn sẽ duy trì “vai trò lãnh đạo thế giới”, nhưng thừa nhận sức mạnh của Mỹ có hạn, do đó không thể một mình giải quyết được các thách thức an ninh toàn cầu trong tình hình thế giới phức tạp và khó dự đoán như hiện nay.

Chiến lược xác định thách thức cấp bách nhất hiện nay là chủ nghĩa cực đoan bạo lực, sự gây hấn của Nga, tấn công mạng và biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định, nước Mỹ sẽ tiếp tục lãnh đạo liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống nhóm vũ trang Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, và tiếp tục cùng với các đồng minh châu Âu trong chiến dịch bao vây cô lập nước Nga.

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Tuy nhiên, trong chiến lược được công bố trước quốc hội, ông Obama cho rằng nước Mỹ cần phải có sự “kiên nhẫn và bền bỉ chiến lược” vì họ không có nguồn lực vô tận và cho rằng nhiều vấn đề không thể được giải quyết bằng sức mạnh quân sự.

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ khẳng định nước này sẽ duy trì một nền quốc phòng có lực lượng quân đội được huấn luyện, trang bị tốt nhất thế giới; cam kết tăng cường bảo vệ an ninh trong nước; xây dựng một thế trận an ninh toàn cầu có thể huy động được tổng lực sức mạnh quốc gia; ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt, nhất là vũ khí hạt nhân; xây dựng một khả năng đối phó toàn cầu…

Chiến lược cũng nhấn mạnh cần phải tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy các giá trị Mỹ, hoan nghênh các nước lớn đang nổi lên nhưng cảnh báo sẵn sàng ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng.

Ngoài ra, chiến lược còn nhấn mạnh tầm quan trong của việc tiếp tục chuyển thêm nhiều nguồn lực kinh tế, quân sự và ngoại giao sang khu vực châu Á; nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 đối tác châu Á và Hiệp định Thương mại và Đầu tư (TIPP) với các nước châu Âu…