Mỹ có năng lực phòng thủ để trấn an người dân và đồng minh?

ANTD.VN - Tiếp nối các quan chức Lầu Năm góc, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên tiếng khẳng định về “năng lực phòng thủ đất nước” trong bối cảnh Triều Tiên liên tục cảnh báo thử hạt nhân trên Thái Bình Dương.

Một tổ hợp tên lửa THAAD của Mỹ khai hỏa trong cuộc diễn tập chống tấn công của tên lửa đạn đạo của đối phương 

Người phát ngôn của Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ Grace Choi ngày 25-10 lên tiếng khẳng định Mỹ có đầy đủ năng lực phòng thủ để “bảo vệ đất nước và các đồng minh”, đồng thời cáo buộc Triều Tiên đang “đe dọa và phá hoại hòa bình và an ninh quốc tế”. Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố này ngay sau khi Triều Tiên một lần nữa cảnh báo sẽ tiến hành “một vụ thử vũ khí hạt nhân trên Thái Bình Dương”.

Trước đó, cùng ngày 25-10, nhà ngoại giao cấp cao của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Pil trong cuộc phỏng vấn với Kênh Truyền hình CNN đã nhấn mạnh rằng, lời cảnh báo vào tháng trước của Ngoại trưởng nước này “cần được hiểu đúng”. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho hồi tháng 9 vừa qua đã tuyên bố, Bình Nhưỡng có thể xem xét tiến hành “vụ nổ một quả bom H mạnh nhất” trên Thái Bình Dương.

Cho dù quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng là để đáp trả tuyên bố “gây hấn” của phía Triều Tiên, song dư luận cũng không khỏi ngạc nhiên khi cơ quan ngoại giao chứ không phải là Lầu Năm góc, như thường thấy, có trách nhiệm khẳng định năng lực phòng thủ để trấn an người dân Mỹ và đồng minh. Bởi thế, việc Bộ Ngoại giao Mỹ buộc phải lên tiếng cho thấy Washington đánh giá hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên là một mối đe dọa nghiêm trọng.

Không ít giới chức quốc phòng và an ninh của Mỹ cho tới cách đây vài tháng vẫn còn khá xem thường năng lực tấn công tầm xa, có sức hủy diệt lớn của Triều Tiên. Thậm chí, ngay cả khi Triều Tiên đạt được tiến bộ nhất định khi phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) từ tàu ngầm vào tháng 8-2016, nhiều quan chức cấp cao Mỹ vẫn cho rằng Bình Nhưỡng chưa đủ khả năng tấn công tới nước Mỹ.

Tuy nhiên, mọi cái nhìn và đánh giá về năng lực vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên đã thay căn bản sau khi Bình Nhưỡng đạt được thành công mang tính đột phá khi phóng thử thành công tên lửa Hwasong-12 vào tháng 5-2017.

Với việc tên lửa này có thể phóng lên độ cao 2.000km và phần đầu rơi xuống biển cách địa điểm phóng hơn 700km khiến các chuyên gia vũ khí cho rằng Triều Tiên có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới vùng lãnh thổ Mỹ ở phía Tây. Khả năng răn đe của Triều Tiên càng khiến Mỹ và đồng minh thêm lo ngại khi nước này thử thành công bom H (bom nhiệt hạch) đầu tháng 9 vừa qua, đồng thời giới thiệu thiết bị được cho là đầu đạn hạt nhân thu nhỏ để gắn lên tên lửa ICBM. 

Trước mối lo ngại ngày càng gia tăng từ khả năng tấn công hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Mỹ cùng đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á đã phải ráo riết tăng cường năng lực đối phó. Mỹ đã điều đến đây những loại vũ khí, trang bị hiện đại nhất để luôn trong tình trạng “sẵn sàng chiến đấu” như máy bay chiến đấu tàng hình F-22, tàu khu trục trang bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa Aegis, các biên đội tàu sân bay chiến đấu. 

Cùng với đó, Lầu Năm góc từ ngày 22-10 vừa qua đã đưa vào hoạt động Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Trong khi radar có thể phát hiện, phân loại và nhận dạng các mối đe dọa của tên lửa đang được bắn tới trong tầm 1.000 km, tên lửa của hệ thống THAAD có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung cả bên trong và bên ngoài tầng khí quyển.

Với tầng tầng lớp lớp hệ thống cảnh báo, phát hiện và phòng thủ chống tên lửa triển khai tới khu vực, Mỹ hiện tin rằng đủ năng lực phòng thủ trước bất cứ mối đe dọa nào từ Triều Tiên.