Mỹ chi tổng cộng 500 triệu USD trong 2 tháng đối đầu với Nhà nước Hồi giáo IS

ANTĐ - Hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq từ giữa tháng 6 đến nay đã tiêu tốn hơn 500 triệu USD, tuy nhiên ngân sách quốc phòng cấp cho Lầu Năm Góc trong năm 2014 vẫn có thể đáp ứng được mức chi phí này.

Đô đốc hậu cần của quân đội Mỹ, John Kirby đã nói trong một cuộc họp báo rằng kể từ ngày 16/6, chi phí tiêu tốn cho việc chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo trung bình khoảng 7.5 triệu USD/ngày, bao gồm tiền dành cho việc tiến hành các cuộc không kích, do thám hoặc giám sát bằng máy bay, viện trợ nhân đạo hay cung cấp quân trang cho quân đội Iraq. Khoản tiền 500 triệu USD cũng chứa chi phí của việc gửi 1.000 lính Mỹ đến Iraq và thành lập trung tâm điều phối chung ở Baghdad và Erbil.

Mỹ đã tốn 500 triệu USD trong 2 tháng đối đầu với tổ chức IS, tuy nhiên
chi phí này vẫn nằm trong ngân sách chống khủng bố của năm 2014

16/6 là ngày Tổng thống Obama gửi 300 binh sĩ đầu tiên của lực lượng đặc biệt đến Iraq nhằm đánh giá mối đe doạ từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ngân sách quốc phòng dành cho chống khủng bố vào năm tài khoá 2014, vốn được tách riêng ra khỏi chi phí duy trì các căn cứ quân sự, sẽ đủ đáp ứng được cho phí cho hoạt động chống lại tổ chức IS, ông Kirby cho biết.

Todd Harrison, một quan chức cấp cao của Trung tâm đánh giá Chiến lược và ngân sách ở Washington nhận định rằng riêng chi phi dành cho các hoạt động của không quân đã lên đến 100 triệu USD.

Đô đốc Kirby và thư kí báo chí của nhà Trắng Josh Earnest đã dành nhiều thời gian trong cuộc nói chuyện trên truyền hình nhằm làm sáng tỏ tuyên bố của Tổng thống Obama vào hôm 28/8 rằng “Mỹ chưa có một chiến lược nhất quán để chống lại IS”. Cả ông Kirby và Earnest đều cho rằng Mỹ nên tiến hành không kích nhằm vào IS trên cả lãnh thổ Syria, chứ không chỉ riêng tại Iraq.

Hiện tại, cả Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cùng chỉ huy Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ, Martin Dempsey đều đã đưa ra các phương án có thể được thực hiện để Tổng thống Obama lựa chọn, tuy nhiên, kế hoạch chi tiết cho những chiến lược này vẫn chưa được hoàn thiện.