Mỹ chi tới hơn 81 tỷ USD để đóng 38 tàu chiến mới

ANTĐ - Ngày 6-4-2016, hải quân Mỹ đã đề xuất kế hoạch chi tới 81,4 tỷ USD để đóng 38 tàu chiến mới trong 5 năm tới, bao gồm 9 chiếc tàu ngầm lớp Virginia, 10 chiếc tàu khu trục tên lửa điều khiển lớp Arleigh-Burke và 1 chiếc tàu sân bay hạt nhân.

Kế hoạch trên được Trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách mua sắm Sean Stackley công bố tại Ủy ban Quân lực Thượng viện cho giai đoạn tài khóa 2017-2021.

Kế hoạch đề xuất chi khoảng 14,7 tỷ USD đóng 7 chiếc tàu vào năm 2017, 16,8 tỷ USD đóng 8 chiếc tàu trong năm tài khóa 2018, 16,2 tỷ USD đóng 7 chiếc tàu trong năm tài khóa 2019, 16,9 tỷ USD đóng 8 chiếc tàu trong năm tài khóa 2020 và 16,8 tỷ USD đóng 8 chiếc tàu trong năm tài khóa 2021.

Hơn 20 tàu chiến Mỹ và Nhật Bản tham gia diễn tập Keen Sword 2012

Chương trình này sẽ nâng tổng số tàu chiến của hải quân Mỹ từ 272 chiếc hiện tại lên 308 chiếc vào năm tài khóa 2021, và sẽ tăng số lượng tàu tấn công đổ bộ lên 10%.

Đây là kế hoạch nhận được sự hoan nghênh lớn từ các tư lệnh chiến đấu của hải quân và cả lực lượng hải quân đánh bộ sử dụng chúng để triển khai lực lượng.

Trọng tâm chi tiêu trong kế hoạch này là chế tạo một chiếc tàu sân bay năng lượng hạt nhân lớp Gerald R. Ford mới với chi phí đầu tư khoảng 13,5 tỷ USD trong 5 năm tới, khiến nó trở thành chiếc tàu đắt đỏ nhất trong hạm đội hải quân Mỹ.

Kế hoạch chi tiêu này chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi ích của ngành công nghiệp đóng tàu và tham vọng của quốc hội Mỹ hơn là đòi hỏi chiến lược của quân đội Mỹ.

Các tập đoàn quốc phòng như Huntington Ingalls, General Dynamics, Lockheed Martin, Austal và Raytheon đều đã ra tuyên bố với các nhà đầu tư hoan nghênh kế hoạch chi tiêu này như là tín hiệu gia tăng giá trị của các công ty đối với các cổ đông.

Kế hoạch cũng đã nhận được sự hoan nghênh từ đoàn nghị sỹ đến từ các bang có ngành công nghiệp đóng tàu, trong đó có Virginia, Maine, Alabama, Mississippi và Connecticut, vốn thu được lợi nhuận đáng kể từ các hợp đồng với quân đội Mỹ.