Mỹ cắt giảm, Nga và Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự

ANTĐ - Năm 2012, Trung Quốc và Nga lần lượt tăng chi tiêu quân sự 7,8% và 16%, trong khi Mỹ lại cắt giảm 6%.

Ngày 15-4, Viện nghiên cứu SIPRI công bố một báo cáo cho thấy, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2012 đã lần đầu tiên sụt giảm trong hơn một thập kỷ qua do Mỹ và châu Âu cắt giảm mạnh, vì đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế và việc rút dần khỏi cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.

Tuy nhiên, ở chi tiêu quốc phòng ở châu Á, Bắc Âu, Mỹ La-tinh và Trung Đông vẫn gia tăng, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, lần lượt tăng 7,8% và 16% trong năm 2012 so với năm trước đó.

Mỹ đã cắt giảm 6% chi tiêu quốc phòng trong năm 2012

Nói chung toàn thế giới, chi tiêu cho quân sự trong năm 2012 đã giảm 0,5% xuống còn 1.750 tỷ USD, lần giảm đầu tiên kể từ năm 1998, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết trong một tuyên bố.

 "Chúng tôi thấy bắt đầu có sự dịch chuyển trong cán cân chi tiêu quân sự thế giới từ các nước phương Tây sang những khu vực đang phát triển", ông Sam Perlo-Freeman, Giám đốc Chương trình Chi tiêu quân sự và Sản xuất vũ khí của SIPRI, cho biết.

Theo SIPRI, chi tiêu quân sự của Mỹ, nước chi tiêu lớn nhất thế giới với ngân sách gấp khoảng 5 lần so với Trung Quốc, đã lần đầu tiên giảm 6% và đứng ở mức dưới 40% tổng chi tiêu toàn cầu kể từ khi Liên Xô sụp đổ hơn 20 năm trước.

Năm 2012, Trung Quốc đã tăng 7,8% chi tiêu quốc phòng

"Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy chi tiêu quân sự thế giới có thể sẽ tiếp tục giảm trong 2 đến 3 năm tới, ít nhất là cho đến khi NATO hoàn thành việc rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014", ông Perlo-Freeman nói. "Tuy nhiên, chi tiêu cho quân sự tại các khu vực mới nổi có thể sẽ tiếp tục gia tăng, nên, sau đó tổng chi tiêu của thế giới có thể sẽ lại gia tăng".

Trong số các nước gia tăng chi tiêu quân sự thì Trung Quốc, nước đang ưu tiên mua sắm và phát triển tàu ngầm, tàu chiến, tên lửa, máy bay chiến đấu tàng hình và các nhóm tác chiến tàu sân bay, là khiến các nước trong khu vực từ Nhật Bản đến Ấn Độ quan ngại nhất.