Mỹ cấm mua động cơ tên lửa Nga để phóng vệ tinh quân sự

ANTĐ - Dự luật ngân sách quốc phòng 2015 của Mỹ có thể sẽ cấm mua các động cơ tên lửa RD-180 tương lai do Nga sản xuất, được sử dụng để phóng các vệ tinh an ninh quốc gia Mỹ, nhưng sẽ tôn trọng các hợp đồng hiện tại.

Theo Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2015, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ có thể ban hành một quyết định hủy bỏ nếu “cần thiết cho an ninh quốc gia và nếu các dịch vụ phóng vệ tinh vũ trụ không thể đạt được với một mức giá công bằng và hợp lý mà không sử dụng các động cơ này”, loại động cơ tên lửa được thiết kế và chế tạo tại Nga.

Thậm chí, theo các quy định mới này, bộ trưởng quốc phòng có thể không trao hợp đồng mới hoặc gia hạn hợp đồng hiện tại để mua các động cơ tên lửa phóng vệ tinh vũ trụ do Nga thiết kế.
Mỹ cấm mua động cơ tên lửa Nga để phóng vệ tinh quân sự ảnh 1Động cơ tên lửa đẩy RD-180 của Nga

Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2015, nhằm cung cấp ngân sách cho các hoạt động của Bộ Quốc phòng Mỹ, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận và thông qua tại Quốc hội Mỹ vào tuần tới, trước thời hạn chót vào ngày 11-12.

Dự kiến, đạo luật mới sẽ cho phép sử dụng bất kỳ động cơ RD-180 nào đã được mua trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, hoặc đã được mua theo một hợp đồng phóng vệ tinh vũ trụ hiện tại, đó là hợp đồng trị giá 11 tỷ USD mà công ty phóng vệ tinh vũ trụ ULA của Mỹ đã ký với Nga để cung cấp đầy đủ động cơ RD-180 cho các vụ phóng đến hết năm 2019.

Theo một nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro RD-180, với 16 động cơ tên lửa RD-180 đã mua, Mỹ có đủ tên lửa để tiếp tục thực hiện các vụ phóng vũ trụ đến năm 2016, sau đó, nếu nguồn cung cấp bị chấm dứt, sẽ có sự chậm trễ đáng kể về khả năng phóng vệ tinh an ninh quốc gia lên vũ trụ.

Rõ ràng là quốc hội Mỹ muốn nước này chấm dứt việc mua động cơ tên lửa của Nga vào năm 2019 và yêu cầu không quân phải có thêm những hợp đồng phóng vệ tinh “cạnh tranh” trong những năm tới.