Mỹ bị nghi ngăn Australia chuyển xe tăng M1A1SA Abrams cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Truyền thông Australia nói nước này chưa thể chuyển giao 49 xe tăng M1A1SA Abrams cho Ukraine như cam kết là do "Mỹ chưa cấp phép".

Australia tháng 10/2024 thông báo sẽ gửi 49 xe tăng M1A1SA Abrams qua sử dụng cho Ukraine theo gói viện trợ trị giá hơn 163 triệu USD. Tuy nhiên, ràng buộc trong hợp đồng yêu cầu Australia phải được Mỹ chấp thuận trước khi chuyển xe tăng cho bên thứ ba như Ukraine.

Đài ABC của Australia hôm 28/4 dẫn lời các quan chức quốc phòng giấu tên cho biết 49 xe tăng chủ lực M1A1SA Abrams mà quốc gia này cam kết chuyển giao cho Ukraine vẫn mắc kẹt trong nước, do "chưa được chính quyền Mỹ cấp phép để chuyển ra nước ngoài".

Xe tăng M1A1SA Abrams
Xe tăng M1A1SA Abrams

Một số quan chức Mỹ trước đó tiết lộ Lầu Năm Góc từng cảnh báo Australia không nên viện trợ xe tăng Abrams đời cũ cho Ukraine, do chúng đòi hỏi chi phí hậu cần cao và khó bảo dưỡng.

Khi được đề nghị bình luận về thông tin, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Australia khẳng định kế hoạch chuyển xe tăng Abrams cho Ukraine trong năm 2025 vẫn diễn ra theo kế hoạch.

"Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với phía Ukraine về các thỏa thuận viện trợ đã thống nhất, trong đó có cung cấp và bảo trì vũ khí. Australia vẫn sát cánh cùng Ukraine trong xung đột, điều được thể hiện rõ ràng thông qua cam kết viện trợ gần một tỷ USD, trong đó có hơn 800 triệu USD hỗ trợ quân sự", người này cho hay.

Giới chức Mỹ và Ukraine chưa lên tiếng về thông tin.

Xe tăng M1A1SA Abrams
Xe tăng M1A1SA Abrams

Australia mua 59 xe tăng M1A1SA Abrams hồi năm 2007, nhưng chúng chưa bao giờ được triển khai trong thực chiến. Số xe tăng này đã bị loại biên và sẽ được thay thế bằng phiên bản M1A2 SEP v3 mới hơn.

Mỹ từng chuyển tổng cộng 31 xe tăng M1A1SA Abrams cho Ukraine, đủ trang bị cho một tiểu đoàn thiết giáp. Quân đội Ukraine từng tuyên bố mẫu xe tăng có giá 10 triệu USD của Mỹ sẽ là vũ khí quan trọng để chọc thủng phòng tuyến đối phương.

Tuy nhiên, lực lượng này phải hứng chịu nhiều thiệt hại dù chỉ triển khai hạn chế, không tham gia các chiến dịch đột kích hiệp đồng như học thuyết quân sự của NATO.