Giải mật về lô vũ khí hiện đại của Mỹ ở Triều Tiên (2):

Mỹ bị "giỡn mặt", khi để 100 trực thăng MD-500 rơi vào tay Triều Tiên

ANTĐ - Từ sau khi kết thúc chiến tranh Triều Tiên, Washington và Seoul luôn giữ thái độ thù địch với Bình Nhưỡng, Mỹ cấm vận vũ khí, cấm mọi quốc gia đồng minh bán vũ khí cho Triều Tiên. Công ty Delta-Avia Fluggeräte GmbH làm thế nào để qua mặt nhà chức trách Mỹ và vận chuyển trót lọt gần 100 chiếc máy bay trực thăng đến tay Triều Tiên?

Làm sao để vận chuyển số lượng lớn máy bay trực thăng đến Triều Tiên là nút thắt khó khăn nhất, quyết định đến sự thành bại của thương vụ này. Ronald Semler, Monte Semler và Kurt Behrens vắt óc suy nghĩ. Với kinh nghiệm buôn bán lâu năm và các mối quan hệ làm ăn chằng chịt, họ đã xây dựng một con đường vòng vèo nhưng vô cùng an toàn, trải qua nhiều điểm đến trung gian để “làm sạch” gốc gác lô máy bay này.

Máy bay được một tàu mang quốc tịch Panama vận chuyển bằng đường biển từ Los Angeles đến thành phố cảng Antwerp của Bỉ. Sau đó, chúng lại được vận chuyển trên xe vận tải hạng nặng đến cảng Rotterdam của Hà Lan. Từ đây, máy bay được bốc xuống tàu hàng chở đến Nigeria, điểm đến tiếp theo là Hồng Kông. Cuối cùng, 1 tàu vận tải biển của Liên Xô đã vận chuyển số máy bay này đến Triều Tiên một cách an toàn. Trong giấy tờ hải quan của lô hàng này, chủ sở hữu của lô hàng là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nigeria và Nhật Bản.

Mùa xuân năm 1983, lô máy bay đầu tiên được tháo rời, đóng vào các container thiết bị, khởi hành từ cảng Los Angeles, phải mất mấy tháng sau nó mới được bàn giao đến tay người nhận. Cho đến đầu năm 1985, Công ty Delta-Avia Fluggeräte GmbH đã bàn giao cho phía Triều Tiên rtổng cộng 87 chiếc máy bay trực thăng MD500, trong đó có 2 chiếc được bí mật vận chuyển đến Nhật Bản, sau đó được 1 tàu hàng Triều Tiên vận chuyển về nước.

Thế nhưng giấy không gói được lửa. Đầu năm 1984, vệ tinh trinh sát của Mỹ tình cờ phát hiện tại 1 sân bay quân sự của Triều Tiên, có một loại máy bay trực thăng trông khác hẳn các loại trực thăng, đang phục vụ trong quân đội nước này. Bộ tư lệnh liên quân Mỹ - Hàn bắt tay vào điều tra vì cho rằng có thể Bình Nhưỡng mới được Moscow cung cấp loại máy bay này. Thế nhưng kết quả điều tra kỹ lưỡng đã đưa đến một kết luận rất bất ngờ là, Triều Tiên đang sở hữu loại máy bay MD500 của Công ty Hughes - Mỹ.

Trực thăng Hughes MD500 trên chiến trường Kenya (chiếc đậu dưới đất)


Tháng 2/1985, Bộ Thương mại của Mỹ đưa ra một tuyên bố, họ có đầy đủ bằng chứng cho thấy công ty của Tây Đức, đã bán trái phép cho Triều Tiên hơn 80 chiếc trực thăng quân dụng của Mỹ. Sau đó, hải quan Mỹ đã chặn bắt được 1 lô hàng hơn 10 chiếc nữa của Công ty Delta-Avia Fluggeräte GmbH. Bộ Thương mại còn cho biết, đã có khá nhiều công ty của Mỹ đã tiếp tay cho công ty Tây Đức thực hiện trót lọt vụ buôn bán bất hợp pháp này.

Tháng 2/1987, bồi thẩm đoàn Los Angeles đã ra quyết định khởi tố 2 anh em Ronald Semler và Monte Semlers về tội vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, buôn bán trái phép 100 chiếc máy bay trực thăng Hughes MD500 cho Triều Tiên. Hai anh em nhà này bị truy tố tới 27 tội danh, bao gồm: móc nối, xuất khẩu bất hợp pháp, nộp hồ sơ khai thuế sai…, thu lợi bất chính hơn 10 triệu USD.

Bản cáo trạng cho biết, trong tháng 4-1984, Công ty Delta-Avia Fluggeräte GmbH đã biệt phái 2 nhân viên thiết bị máy bay của mình sang Bình Nhưỡng, giúp đỡ Triều Tiên lắp ráp máy bay, bồi dưỡng nhân viên kỹ thuật, thậm chí là huấn luyện cả phi công. Nếu bị kết tội, 2 người này sẽ phải nhận án 10 năm tù và phạt nặng. Tuy nhiên, hai anh em nhà Semlers đã nộp một khoản tiền bảo lãnh rất lớn để được tại ngoại. Các công tố viên Mỹ nghi ngờ rằng, công ty máy bay trực thăng Hughes cũng đã biết chuyện Tổng đại lý Tây Đức của họ, bán máy bay sang Triều Tiên nhưng đã nhắm mắt làm ngơ.

Trong các văn kiện của Bộ Tư pháp Thụy Sĩ còn ghi lại, tháng 5/1987, Washington đã đề nghị Bern trợ giúp pháp lý để điều tra vụ việc này. Hoa Kỳ cho rằng giao dịch thanh toán giữa Triều Tiên và Công ty Delta-Avia Fluggeräte GmbH chắc chắn sẽ thông quan các tài khoản gửi và nhận ở Zurich, nên đề nghị nước này điều tra và đóng băng các tài khoản này. Tuy nhiên, Chính phủ Thụy Sĩ đã từ chối vì cho rằng ngân hàng nước này có trách nhiệm bảo vệ các khách hàng bí mật.

Mỹ bị "giỡn mặt", khi để 100 trực thăng MD-500 rơi vào tay Triều Tiên ảnh 2
Chiếc MD-500 được trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển 9K11 Malyutka

Sự kiện máy bay trực thăng Mỹ nhập khẩu và Triều Tiên đã làm rạn nứt quan hệ giữa họ với đồng minh Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Chun Doo Hwan cho rằng, Chính phủ Mỹ đã vi phạm các quy định trong “Điều ước cấm bán các vũ khí tiên tiến cho các nước không phải đồng minh”, dẫn đến nhiều loại vũ khí hiện đại trôi nổi trên thị trường quốc tế, xâm nhập vào Triều Tiên và đòi Washington phải bồi thường cho Seoul.

Năm 1996, tạp chí Đức “Der Spiegel” đã phỏng vấn 1 viên thượng tá Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, viên sĩ quan này chính là người phụ trách mảng hợp tác quân sự của Triều Tiên với nước ngoài suốt từ năm 1972 - 1994. Ông ta tiết lộ, tuy Liên Xô và Trung Quốc luôn là người bạn tốt nhất của Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng vẫn có thể sử dụng “mũi vu hồi” để mua được vũ khí hiện đại của Mỹ.

Ông ta cũng thừa nhận, đúng là Triều Tiên đã mua được máy bay Hughes MD500 từ Công ty Delta-Avia Fluggeräte GmbH của Tây Đức, nhưng nó chỉ là “một trong những” loại vũ khí nước mình đã mua được của phương Tây. Sau khi về Triều Tiên, họ đã cải tạo thành máy bay quân dụng, trang bị vũ khí để biến nó thành một loại máy bay trực thăng tiến công. Theo tin cho biết, Bình Nhưỡng đã trang bị 4 tên lửa chống tăng 9K11 Malyutka trên 2 điểm treo ở hai bên sườn máy bay và hệ thống rocket, để sử dụng trong nhiệm vụ chống tăng và hỗ trợ tấn công mặt đất.