- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thực sự mất quyền kiểm soát?
- Một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị chặt đầu sau khi đảo chính thất bại
- Các nước lớn phản ứng gì trước cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ?
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói với người đồng cấp bên phía Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavosoglu rằng, những tuyên bố công khai cáo buộc các quan chức Mỹ “đạo diễn” vụ đảo chính vừa thất bại ở nước đồng minh là hoàn toàn sai trái, và gây ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ 2 bên.
Cùng với đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hối thúc Ankara thể hiện sự kiềm chế sau vụ đảo chính gây tổn thất sinh mạng ở quốc gia này, và điều tra với tinh thần tuân thủ chặt chẽ pháp luật.
“Ngoại trưởng Mỹ đã nói rõ rằng chúng tôi sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cho giới chức Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc điều tra đảo chính. Và tôi phải khẳng định một điều rằng, những tuyên bố công khai hoặc thông tin ám chỉ Mỹ có bất kỳ vai trò gì đối với cuộc đảo chính thất bại vừa qua là hoàn toàn sai trái, và gây tổn hại tới mối quan hệ của chúng ta”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bày tỏ.
Cuộc đảo chính ngắn ngủi đã khiến tình hình Thổ Nhĩ Kỳ trở nên rối ren, hỗn loạn
Trước đó, Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Süleyman Soylu đã tạo ra một “cơn bão” dư luận thực sự khi ông thẳng thừng tuyên bố, Washington là thủ phạm đứng sau cuộc đảo chính ở nước này.
“Mỹ đứng sau âm mưu đảo chính. Một số bài báo được đăng tải ở Mỹ có nội dung kêu gọi đảo chính trong vài tháng nay. Từ lâu, chúng tôi đã đề nghị Mỹ bắt giữ và dẫn độ tên Fethullah Gulen”, ông Soylu bày tỏ.
Vụ đảo chính bất ngờ hôm 15-7 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến 265 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương. Chế độ của Tổng thống Erdogan đã đứng vững sau cuộc đảo chính, và đáp trả bằng những lệnh trừng phạt thích đáng, khi họ bỏ tù 2.745 thẩm phán đối lập, cũng như bắt giữ hơn 2.800 sĩ quan và binh lính ủng hộ đảo chính.