Mỹ áp thuế 46% với hàng hóa từ Việt Nam: Vẫn còn cơ hội đàm phán thương mại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Tiến sĩ Scott McDonald, giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam, việc chính quyền Mỹ tập trung vào "các rào cản phi thuế quan" được đề cập trong thông báo cho thấy các cuộc đàm phán thương mại có thể tiếp tục.
Vẫn còn cơ hội đàm phán thuế quan với Mỹ

Vẫn còn cơ hội đàm phán thuế quan với Mỹ

Còn có thể tiếp tục đàm phán

Tiến sĩ Scott McDonald cho hay, theo tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã nói với các quốc gia phải đối mặt với thuế rằng họ "hãy chấm dứt thuế, dỡ bỏ rào cản". Điều này chỉ ra những hướng đi tiềm năng để điều chỉnh cách ứng phó trong tương lai.

Doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu và thiết lập quan hệ đối tác sản xuất ở các quốc gia chịu mức thuế thấp hơn hoặc được miễn khỏi khuôn khổ thuế quan mới. Như thông báo của chính quyền ông Donald Trump, Canada và Mexico sẽ tránh được các mức thuế mới do có sắc lệnh riêng cho họ liên quan đến nhập cư và ma túy. Điều này mở ra cơ hội tiềm năng về hợp tác chiến lược về sản xuất với các nước này.

Bên cạnh đó, việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent kêu gọi không trả đũa và nhấn mạnh tiềm năng đàm phán, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước quyết định phức tạp về cách lập kế hoạch tài chính. Các tác động tài chính ngắn hạn phải được cân bằng với định vị chiến lược dài hạn, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến việc quản lý dòng tiền trong giai đoạn điều chỉnh chính sách thương mại hiện nay.

Tiến sĩ Scott McDonald lưu ý: “Điều quan trọng nữa là sắc lệnh có điều khoản cho phép sửa đổi, theo đó, Tổng thống Mỹ có thể tăng thêm thuế nếu các quốc gia trả đũa. Điều này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng không chắc chắn mà các doanh nghiệp phải tính đến khi lên kế hoạch ứng phó theo từng kịch bản”.

Nói về tác động của chính sách thuế vừa được chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra, Tiến sĩ Scott McDonald đánh giá, mức thuế quan mới đặt ra thách thức rõ ràng đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam.

Các mặt hàng họ xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sớm phải đối mặt với bất lợi do giá cao hơn 46% so với hàng hóa nội địa của Mỹ hoặc các sản phẩm từ các quốc gia chịu thuế quan thấp hơn. Các ngành công nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm: điện tử, dệt may, đồ nội thất, giày dép và thủy hải sản – những ngành đóng vai trò trung tâm trong thành công xuất khẩu của Việt Nam.

Theo phân tích của Evercore ISI được báo chí trích dẫn, sắc lệnh mới khi được triển khai hoàn toàn có thể khiến mức thuế trung bình có trọng số của Mỹ tăng lên 29% – mức cao nhất trong hơn 100 năm. Điều này tạo ra một tình huống chưa từng có đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược tăng trưởng dựa trên khả năng tiếp cận thị trường Mỹ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Lam- Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt cho biết, dù ông và đối tác Hoa Kỳ “có lo lắng nhưng như Bộ trưởng Tài chính Mỹ vừa thông tin là các nước hãy khoan đánh thuế trả đũa với Mỹ vì còn cơ hội đàm phán. Thuế áp cho Việt Nam mức 46% mới chỉ là mức chung, một phương thức đàm phán của Tổng thống Mỹ”. Riêng ngành gỗ, ông Lam cho hay, từ ngày 31-3 vừa qua, phía Việt Nam đã giảm thuế đối với hàng hóa từ Mỹ.

“Theo quan điểm của chúng tôi, thuế đối ứng sẽ áp dụng với từng mặt hàng theo mã số HScode, vì vậy không có gì lo lắng quá, Chính phủ sẽ làm việc với phía Hoa Kỳ. Trong trường hợp nếu thuế đối ứng phía Mỹ áp mạnh cho ngành gỗ Việt Nam khoảng 10%, các đối tác làm ăn với chúng tôi sẽ chia đôi, mỗi bên chịu thuế 5%. Hiện tại, mọi thứ vẫn đang bình thường, không có gì đáng lo ngại.

Về kim ngạch xuất hàng sang Mỹ, doanh nghiệp chúng tôi đang xuất đi Mỹ với đơn hàng chiếm 50% và hiện tại chúng tôi nhận các đơn hàng xuất khẩu đến tháng 9, hết quý II-2025.

Về đa dạng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp tôi và các doanh nghiệp hiệp hội đã làm hàng năm qua rồi, không đợi đến khi Mỹ đưa việc đánh thuế. Chúng tôi hướng đến Hàn Quốc, Australia, Trung Đông”- ông Nguyễn Thanh Lam nói.

Doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì?

Gợi ý cách ứng phó với đòn thuế của Mỹ với doanh nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Scott McDonald cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều hướng môi trường thuế quan mới này.

Họ có thể đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Mỹ. Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do mang lại những giải pháp thay thế tiềm năng. Doanh nghiệp có thể tận dụng các khuôn khổ thương mại hiện có.

Cụ thể là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cung cấp quyền được ưu tiên tiếp cận các thị trường như: Nhật Bản, Canada, Australia và New Zealand; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cung cấp các khoản giảm và miễn thuế quan cho nhiều sản phẩm của Việt Nam khi nhập khẩu vào Liên minh châu Âu;

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại với các nước láng giềng ASEAN và các thị trường châu Á khác; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) duy trì quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường Anh.

“Những doanh nghiệp biết xây dựng các chiến lược cân bằng –kết hợp đa dạng hóa thị trường, linh hoạt sản xuất và quản lý tài chính cẩn thận – sẽ có khả năng điều hướng giai đoạn này thành công hơn so với những doanh nghiệp chỉ tập trung duy trì các cách tiếp cận thị trường Mỹ hiện tại bất kể chi phí thuế quan mới”- vị chuyên gia của RMIT Việt Nam nhấn mạnh.

Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhóm ngành dệt may, da giầy sẽ chịu tác động mạnh do áp lực cạnh tranh quốc tế cao, khả năng dịch chuyển chuỗi sản xuất dễ dàng hơn và độ nhạy giá cả ở mức cao.

Nhóm ngành gỗ và sản phẩm gỗ sẽ chịu tác động trung bình do chuỗi cung ứng khá ổn định và nhu cầu tại Mỹ ở mức cao.

Đặc biệt là nhóm ngành nông-thủy-hải sản, năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông-thủy sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt 4,16 tỷ USD, chiếm 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ năm 2025 có thể đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm trước. Với mức thuế 46%, hàng thủy sản Việt Nam vào Mỹ có thể phải chịu thêm số tiền là 0,92 tỷ USD trong năm 2025.

Với quyết định áp thuế mới, nhôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chịu tác động tiêu cực khi thuế bị tăng lên ở mức trên.

Ông Cấn Văn Lực kiến nghị Việt Nam cần chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, tăng cường các kênh đối ngoại đồng thời cần kiên định đa dạng hóa thị trường, đối tác, sản phẩm; tận dụng tốt hơn 17 FTA đã ký kết.

Bên cạnh đó, Việt Nam xem xét thực hiện một số biện pháp nhằm cân bằng thương mại hơn theo hướng trao đổi cởi mở với Mỹ về những biện pháp giúp cân bằng hơn cán cân thương mại; xem xét chủ động có thể giảm thuế đối ứng như nêu trên và tăng nhập khẩu từ Mỹ, nhất là những sản phẩm mà Mỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu. Về lâu dài, Việt Nam có thể tính đến phương án đàm phán, ký kết FTA với Mỹ.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng những nhóm giải pháp đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, nhất là 5 lĩnh vực nêu trên nhằm hạn chế suy giảm và quan tâm tăng cường nội lực, tính tự chủ, tự cường và kết nối giữa các khối doanh nghiệp (trong nước và FDI) và giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để đảm bảo tăng khả năng thích ứng, phát triển ổn định và bền vững.

Hơn nữa, các bộ, ngành, hiệp hội ngành nghề cần chủ động làm việc với đối tác phía Mỹ và các nước liên quan, cung cấp thông tin, định hướng, tư vấn và tập hợp kiến nghị, vướng mắc của các doanh nghiệp. Từ đó, các bên nhanh chóng bàn thảo và có giải pháp phù hợp, kịp thời và hiệu quả đối với những khó khăn, vướng mắc đó...

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông Lực cho rằng cần chủ động và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu để nắm bắt tình hình và thông tin, diễn biến của thị trường, từ đó có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết, trong đó hướng tới các thị trường lớn, nhiều tiềm năng (như thị trường Halal với quy mô 2,2 tỷ người), thị trường châu Phi, Nam Mỹ...

Các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh tuần hoàn nhằm tận dụng nguyên liệu phế thải, giảm chi phí, giảm giá thành để có thể chia sẻ một phần chi phí thuế bị tăng lên cùng với đối tác.

PGS. TS Nguyễn Thường Lạng- giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho rằng, mục tiêu chính của việc Mỹ đánh thuế với hàng hóa từ các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, nhằm giảm bớt thâm hụt thương mại.

Việc đánh thuế sẽ làm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ khó khăn hơn, phải tìm thị trường mới hoặc quay về thị trường nội địa.

Do đó, cách thức ứng phó của Việt Nam có thể là: tiếp tục tiến hành đàm phán ở cấp độ Chính phủ, tăng cường mua sắm công như máy bay, tàu biển, nông sản… Về phía doanh nghiệp, nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tiết kiệm chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm.