Mưu trí, dũng cảm cứu máy bay ở Trường Sa

(ANTĐ) - Câu chuyện về người chiến sĩ, phi đội bảo vệ Trường Sa dũng cảm, mưu trí xử lý tốt sự cố kỹ thuật, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của quân và dân ta. 

Trong chuyến bay tuần tiễu Trường Sa ngày 9/4 vừa qua, máy bay chiến đấu đa năng hiện đại D đã gặp sự cố kỹ thuật trên không, uy hiếp an toàn cả tính mạng và tài sản.

Tổ bay gồm thượng tá Nguyễn Xuân Tuyến và thượng tá Nguyễn Gia Nhân đã dũng cảm, mưu trí xử lý tốt bất trắc kỹ thuật, đưa máy bay về hạ cánh an toàn, cứu được khối tài sản hàng trăm tỷ đồng.

Chuyến bay không bình thường

Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyến, phi đội trưởng phi đội 3, phó đơn vị trưởng C35 đoàn B70  (Quân chủng Phòng không - Không quân), là phi đội thường xuyên bay tuần tiễu bảo vệ khu vực vùng biển Trường Sa những ngày đầu tháng 4.

Phi đội C35, đoàn B70, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Phi đội C35, đoàn B70, Quân chủng Phòng không - Không quân.


Ngày 9/4, thượng tá Nguyễn Xuân Tuyến, cùng thượng tá Nguyễn Gia Nhân, chủ nhiệm bay đơn vị bay ra đảo Nam Yết, quần đảo Trường Sa. Trên đường máy bay trở về, còn cách đất liền 600 km, đèn tín hiệu báo hệ thống dầu đỏ động cơ bên trái đột ngột xảy ra sự cố, áp suất dầu đỏ tụt liên tục.

Máy bay số 2 bay đằng sau báo cho Tuyến biết khói đen phía cuối động cơ bên trái. Đây là tình huống hết sức nguy hiểm. Vì hệ thống dầu đỏ điều khiển từ hệ thống bánh lái đến bánh mũi, thu thả càng, giới hạn điều khiển bàn đạp, điều khiển đường lấy khí động cơ trái.

Trong tình huống áp suất dầu đỏ tụt xuống bằng không, có thể dẫn đến cháy máy bay. Hiểu đây là tài sản lớn của Nhà nước, của quân đội, lại là một trong những loại máy bay hiện đại nhất của ta hiện nay, các anh quyết tâm bằng mọi giá phải cứu máy bay bằng được.

Chiến công trong thời bình

Nguyễn Xuân Tuyến lập tức báo cáo chỉ huy bay và ra khẩu lệnh phi công buồng trước tắt ngay động cơ trái, chỉ bay bằng động cơ phải về đất liền và xin hạ cánh khẩn cấp ở sân bay gần nhất. Đây là động tác rất kịp thời, vì chỉ cần để động cơ trái tiếp tục hoạt động ít giây nữa trong tình trạng không có hệ thống dầu đỏ, có thể dẫn đến cháy, nổ máy bay.

Chỉ còn 1 động cơ, hai phi công đã bình tĩnh đưa máy bay về sân bay Phan Rang. Việc hạ cánh bằng một động cơ, đòi hỏi phi công phải dày dặn kinh nghiệm, giữ máy bay thăng bằng, nếu không máy bay có thể lao ra ngoài đường băng.

Các anh đã mưu trí sử dụng hệ thống thả càng bằng khí nén, đưa máy bay nhẹ nhàng hạ cánh. Cả sân bay reo hò trước sự bình tĩnh, dũng cảm của hai phi công đã cứu chiếc máy bay hiện đại trị giá hàng trăm tỉ đồng.

Trung tướng Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đã biểu dương và khen ngợi kịp thời tổ bay và biên đội bay, ngay sau khi tổ bay hạ cánh xuống sân bay dự bị.

Thiếu tướng Võ Văn Tuấn, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Quân chủng cho rằng: “Đây là một chiến công của phi công Việt Nam trong thời bình. Hành động dũng cảm của các anh tô thắm thêm truyền thống của không quân nhân dân Việt Nam: Trung thành vô hạn, tấn công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”.

5 lần thử thách

Thượng tá Nguyễn Xuân Tuyến năm nay 47 tuổi, là phi công đã có tới 1.350 giờ bay tích lũy, từng 5 lần kinh qua thử thách điều khiển nhiều loại máy bay, từ trực thăng Mi-8, Mi-24 đến các loại máy bay chiến đấu MiG và hiện là loại máy bay chiến đấu đa năng hiện đại D.

Quê ở xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cạnh sân bay Sao Vàng, từ nhỏ Nguyễn Xuân Tuyến đã nuôi ước mơ trở thành phi công. Năm anh học lớp 9, Quân chủng Không quân có đợt về khám tuyển phi công ở tỉnh nhà, anh là một trong ba người của trường may mắn được tuyển chọn vào dự khóa bay ở Hà Sơn Bình. Tháng 10/1984, Nguyễn Xuân Tuyến được cử sang Liên Xô học lái máy bay trực thăng Mi-8 và Mi-24.

Năm 1987, tốt nghiệp trở về nước, Nguyễn Xuân Tuyến tiếp tục xung phong về trường Sĩ quan không quân Nha Trang để học chuyển sang lái máy bay L-39, rồi lại về sân bay Phù Cát chuyển sang lái MiG-21F94, MiG-21bis.

Không ngại khó, không ngại khổ, năm 1995, Tuyến lại cùng 4 phi công khác được cử đi đào tạo chuyển loại máy bay tiêm kích đa năng chiến đấu C tại sân bay Thành Sơn, Phan Rang. Đây Là lớp phi công đầu tiên chuyển loại máy bay C tại Việt Nam.

Đến năm 2004, một lần nữa Nguyễn Xuân Tuyến được sang Nga để chuyển loại máy bay đa năng chiến đấu hiện đại D. Trở về nước, anh về đơn vị C35, làm phi đội trưởng phi đội 3. Đây là phi đội thường xuyên bay bảo vệ khu vực vùng biển Trường Sa.

Người chiến sĩ ham học hỏi

Nguyễn Xuân Tuyến là người rất ham học hỏi, tìm tòi, khai thác tính năng vũ khí, khí tài. Ở bất kỳ thể loại máy bay nào, Tuyến cũng chịu đọc, dịch tài liệu bằng tiếng nước ngoài.

Anh đã tham gia biên dịch nhiều giáo trình học cho phi công. Năm 2007, Tuyến bắt đầu nghiên cứu giáo trình huấn luyện và xử lý bất trắc trên không cho phi công lái máy bay chiến đấu đa năng hiện đại D. Anh tự mày mò mua sách hướng dẫn và tự học sử dụng vi tính.

Nguyễn Xuân Tuyến cũng là người có công xây dựng các chương trình học lái bằng tiếng Nga, cài đặt hệ thống buồng lái lên máy tính để phi công có thể huấn luyện bay, tập sử dụng vũ khí, bom, đạn, tên lửa trên màn hình.

Bằng nhưng kinh nghiệm thực tế và nghiên cứu tài liệu, Tuyến còn xây dựng các tình huống bất trắc giả định trên không để phi công luyện tập xử lý. Ngồi trên máy tính, người phi công có cảm giác như ngồi trong buồng lái, màn hình vi tính hiển thị các nút điều khiển như trong buồng lái, phi công đeo cáp nghe có thể nghe âm thanh và tín hiệu như thực tế.

Luyện tập trên máy tính đỡ tốn kém rất nhiều so với luyện tập thực tế. Nếu tập thực tế tốn kém hàng tấn dầu để phục vụ cho 5-10 phút sử dụng màn hình, trong khi đó buồng tập cho loại máy bay này chưa có. Sản phẩm này của Nguyễn Xuân Tuyến đã đoạt giải nhất ở đơn vị, được bằng khen của quân chủng và được Bộ Quốc phòng chọn là một trong 18 sản phẩm trao giải trong hội thi mô hình học cụ toàn quân năm 2009. Nhưng quan trọng hơn, sản phẩm này được ứng dụng cho phi công không chỉ của đơn vị C35 luyện tập mà còn cho rất nhiều đơn vị không quân khác của Quân chủng.

Nguyễn Xuân Tuyến còn nổi tiếng là người vận dụng linh hoạt, thông minh lý thuyết vào thực tiễn. Trong một lần bay kèm cho phi công Nguyễn Xuân Vi vào năm 2009, khi máy bay vừa cất cánh rời mặt đất 10 m thì đèn giảm vòng quay động cơ trái bật sáng báo hiệu máy bay có sự cố.

Theo như lý thuyết, thì trong những trường hợp như thế này, không được đình chỉ bay, mà tiếp tục phải đưa máy bay cất cánh, rồi mới xử lý. Nhưng nhìn thấy đường băng phía trước còn dài, Tuyến quyết định cho máy bay tiếp đất hạ cánh. Anh tắt động cơ trái, cho máy bay thả dù, phanh gấp. Máy bay dừng ngay cuối đường băng, cả tổ bay và máy bay an toàn. Đây là cách xử lý trái với lý thuyết nhưng đã đem lại kết quả thực tế tốt đẹp, cho thấy sự dũng cảm, mưu trí của người chiến sĩ Việt Nam hôm nay.