Mường Hịch mờ ảo bên dòng sông Xia

ANTĐ - Quốc lộ 15 bắt đầu từ ngã ba Tòng Đậu, ngay dưới chân đèo Thung Khe và kết thúc ở thị trấn Cam Lộ của tỉnh Quảng Trị. Đây là tuyến đường quan trọng dọc theo biên giới phía Tây, giáp với nước bạn Lào. Trên cung đường huyết mạch này, những địa danh lừng lẫy suốt chiều dài của nó gắn liền với “cung đường Tây Tiến” huyền thoại. Những Mai Châu, Mường Lát, Sào Khao, Pha Luông… như lời giục giã, hối thúc những bước chân khám phá tìm về với những dấu tích xưa một thời oai hùng Tây Tiến. 

Những nếp nhà thanh bình ở Mường Hịch

Trong số những địa danh mời gọi ấy, nếu Mai Châu đã trở nên quá quen thuộc không chỉ với dân xê dịch mà cả đối với những du khách thông thường thì Mường Hịch lại là một cái tên cũ mà vẫn nguyên sơ, mới mẻ đối với du khách. Nói Mường Hịch không lạ bởi dù là bất cứ ai, chỉ cần là người Việt thì đều biết đến địa danh này qua những dòng thơ đầy cảm xúc của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ “Tây Tiến”. Mường Hịch trong thơ xưa hoang vu, heo hút với đầy rẫy nguy hiểm: “Chiều chiều oai linh thác gầm thét / Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”. 

Mường Hịch chỉ cách ngã ba Tòng Đậu 15km. Tuy nhiên, với những bước chân khám phá, mỗi địa danh không đơn giản là một cái tên. Dân xê dịch giờ biết đến Mường Hịch bằng một tên gọi khác, Mai Hịch. Mường Hịch, hay Mai Hịch của ngày hôm nay không còn tiếng “cọp trêu người”, thác nước cũng chẳng còn “gầm thét”. Thay vào đó, Mường Hịch dù đã bớt hoang vu, nhưng vẫn giữ vẻ đẹp xưa cũ của những bản làng người Thái, Mường êm ả. Khói lam chiều bảng lảng trên mái rạ lẫn vào sương núi. Thung xanh vẫn nhấp nhô dáng nón lá thăm đồng. Dòng suối Xia vẫn chảy đêm ngày đổ đầy dòng sông Mã. 

Ở Mường Hịch không có cảnh chen chúc nhà hàng, quầy lưu niệm, cũng không có dịch vụ ở cùng người bản địa. Thế nhưng, nếu khách có nhu cầu ngủ lại, hãy dừng chân ghé bất cứ ngôi nhà nào trước mặt. Việc qua đêm trong bản sẽ dễ dàng chỉ sau vài lời thăm hỏi, xin được ngủ nhờ, ăn một bữa cơm chung với gia đình bên tiếng suối reo. Ở Mường Hịch, trong các bản làng người Thái, người Mường còn nguyên sơ nét hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, trong khung cảnh hùng vĩ của núi rừng. Những điệu xoè vẫn còn e ấp. Sau bóng khăn Piêu, nụ cười duyên cô gái Thái như bừng lên hơi ấm giữa núi rừng. 

Chiều Mường Hịch chơi vơi theo bóng chiếc mảng tre trôi trên dòng Xia mềm mại. Ráng chiều lẩn khuất sau từng khúc quanh mờ sương đẹp như tranh vẽ. Trong mờ ảo sương chiều, bên dòng suối Xia, những câu thơ xưa vẳng trong sâu thẳm tâm hồn, rồi ngẫm ngợi suy tư, rồi chợt nhận ra hồn Tây Tiến như đã ngấm trong mình. Để rồi quyến luyến một chiều sương, quyến luyến màu xiêm áo, quyến luyến chơi vơi chẳng muốn “về xuôi”.