Muốn yêu nghề thật khó

“Nghỉ hè được hơn 1 tháng sau các kỳ thi vào lớp 10 THPT, giáo viên như chúng em tâm lý thoải mái có khi lên được vài kg nhưng cũng là để trừ hao dần vào hơn 9 tháng “đánh vật” với học trò” - tâm sự của một giáo viên trẻ trước thềm năm học mới.

Gánh nặng với 1 lớp lên tới 45-55 học trò, vượt tiêu chuẩn nhiều lần so với yêu cầu của một lớp học theo chuẩn, khiến các thầy cô luôn thấy nản trước khối lượng công việc ngập đầu với giáo án, sáng kiến kinh nghiệm, các cuộc hội giảng, thi giáo viên giỏi các cấp rồi chấm bài, trả bài, dạy thêm...

Thế nhưng trông vào đồng lương giáo viên thì sao? Một giáo viên của quận Đống Đa cho biết, lương của người này từ hơn 10 năm nay lúc nào cũng ở mức rất thấp. Hơn thế, mức lương không hề được điều chỉnh tăng theo thâm niên hay theo hệ số mà chỉ tăng “ngẫu hứng” theo thỏa thuận (từ một phía cơ quan tuyển dụng) ký mỗi năm vào bản hợp đồng trường hay hợp đồng quận. 10 năm trước, lương của một cử nhân ĐH ra làm giáo viên hợp đồng trường là khoảng 500.000 đồng thì nay mức lương này hơn 1 triệu đồng, trong khi những giáo viên này cũng thực hiện, chịu trách nhiệm từng đấy công việc như bất cứ giáo viên trong biên chế của trường. “Mỗi khi có tiết dự giờ, hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi, tiền túi bỏ ra không ít để được đánh giá giờ dạy tốt. Đến kỳ lĩnh lương tránh sao khỏi chạnh lòng” - giáo viên này cho biết. 

Thêm một điều phân biệt giữa giáo viên hợp đồng và biên chế là những giáo viên hợp đồng như ở quận Đống Đa không được hưởng phụ cấp đứng lớp theo quy định của nhà nước với mức 35% lương. Nếu như ở Hà Nội, với mức lương không thấy hứa hẹn về khoản tăng định kỳ theo hệ số và không được hưởng khoản phụ cấp đứng lớp vốn dĩ rất cần thiết cho bất cứ giáo viên nào bởi đặc thù ngành nghề được nhà nước phê duyệt thì thử hỏi lòng yêu nghề sẽ được nuôi dưỡng như thế nào?

“Hơn 10 năm rồi, cứ trông chờ được xét viên chức, năm nay không được thì ngay cả chân hợp đồng quận cũng không chắc giữ được” - giáo viên trên cho biết. Vậy là sau nhiều năm giảng dạy đầy nhiệt tình phấn đấu với kinh nghiệm được tích lũy qua mỗi năm học để giúp ít nhất 2 thế hệ học trò tốt nghiệp, những giáo viên hợp đồng như vậy lúc nào cũng có nguy cơ thất nghiệp. Quả là muốn yêu nghề thật là khó!