Muốn vươn xa, phải thay đổi

ANTĐ - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, Phó đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 27 Nguyễn Đình Lân chia sẻ xung quanh mục tiêu của thể thao Hà Nội tại Đại hội khu vực, cũng như hướng tới các sân chơi đẳng cấp cao hơn trong tương lai.
Muốn vươn xa, phải thay đổi ảnh 1
Các VĐV Hà Nội phấn đấu dẫn đầu cả nước về thành tích tại SEA Games 27 tới.
(Trong ảnh: VĐV Cấn Tất Dự (trái) giành HCV hạng 74kg nam môn vật SEA Games 2011)

- PV: Là đơn vị dẫn đầu cả nước trong phong trào thể dục thể thao, Hà Nội đặt mục tiêu gì tại SEA Games 27, thưa ông?

- Ông Nguyễn Đình Lân: Ở Đại hội năm nay, thể thao Hà Nội đóng góp khoảng 190 VĐV trong tổng số 519 VĐV của đoàn thể thao Việt Nam, đặt mục tiêu đoạt tối thiểu 30% tổng số huy chương cho đoàn. 

- Việc nước chủ nhà cắt bỏ nhiều môn, nội dung thế mạnh có ảnh hưởng nhiều đến chỉ tiêu thành tích của thể thao Hà Nội hay không?

- Thể thao Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng thiệt thòi rất nhiều vì điều đó. Ví dụ như ở Đại hội năm 2011, tuyển TDDC đoạt 11/14 HCV (trong đó Hà Nội góp 7/11 HCV), tuyển Kiếm quốc tế giành 5/12 HCV nhưng năm nay không tổ chức thi đấu. Rồi nhiều môn võ, vật vốn là thế mạnh của thể thao Hà Nội cũng bị chủ nhà cắt bỏ nhiều nội dung. Chưa kể những bất lợi mà VĐV chúng ta có thể gặp phải từ trọng tài, các yếu tố khác khi thi đấu. Số huy chương vì thế dự báo sẽ giảm. Tuy nhiên, con số chỉ tiêu 30% tổng số huy chương đưa ra dựa trên những tính toán chuyên môn kỹ lưỡng và tôi nghĩ sẽ hoàn thành được. 

- Có ý kiến cho rằng SEA Games đang ngày một “nhạt” bởi “chiêu trò” của các nước chủ nhà và thể thao Việt Nam nên dồn sự quan tâm, đầu từ tới những mục tiêu cao hơn. Ông nghĩ sao?

- Cũng vì các “chiêu trò” đó của nước chủ nhà mà các nước khác, trong đó có Việt Nam cứ phải chạy theo. Mới nhất là nội dung 56kg nam môn cử tạ, trước đây cắt giảm mỗi nước chỉ được cử 1 VĐV tham dự thì nay Myanmar đang tính loại hẳn nội dung này. Hai đô cử đẳng cấp thế giới của chúng ta là Thạch Kim Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn sau thời gian dài đầu tư, tập luyện lại có nguy cơ phải ở nhà hết. Rất bất công.

- Phải chăng cần có một cuộc “cách mạng tư tưởng” trong giới quản lý thể thao, thưa ông?

- Hiện tại chúng ta vẫn quá coi trọng SEA Games, trong khi sân chơi này không phản ánh đúng thực lực nền thể thao các nước tham dự. Tôi biết ở các nước như Thái Lan, Singapore chỉ coi SEA Games là giải đấu để tập dượt cho ASIAD, Olympic, nên họ thường cho đội 2 thi đấu, chỉ trừ trường hợp họ là chủ nhà mới cho đội 1 ra tranh tài vì chỉ tiêu thành tích, còn mình luôn luôn phải cử đội mạnh nhất. Bởi nếu đưa đội 2 đi đấu mà thành tích không được như ý lại chịu nhiều sức ép, thậm chí chỉ trích.

Trong giới quản lý thể thao Việt Nam, việc đồng tâm hợp lực chọn SEA Games hay ASIAD là đấu trường chính còn đang bàn cãi, chưa thống nhất. Có người dũng cảm thì nêu ý kiến nên chú trọng ASIAD và chỉ coi SEA Games là bàn đạp, nhưng có nhiều người lại cho rằng chưa đến lúc, như thế là nóng vội. Chính từ nhận thức chủ quan đó tác động tới kế hoạch chuẩn bị. Bản thân tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần một sự thay đổi nếu muốn vươn xa, hòa mình với dòng chảy chung của thể thao thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

Tại SEA Games 2011, các VĐV Hà Nội đã đóng góp 36HCV, 31HCB, 31HCĐ trong tổng số 96HCV, 92 HCB, 101 HCĐ của đoàn thể thao Việt Nam. Với thành tích này, thể thao Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đề ra, xứng đáng là lá cờ đầu cả nước về phong trào TDTT nói chung, thể thao đỉnh cao nói riêng.