Muốn trở thành quán quân, phải biết hát nhạc dân tộc?

ANTD.VN - Có thể thấy, thời gian gần đây, quán quân của các chương trình truyền hình thực tế đều thể hiện tài năng hát nhạc dân tộc như một minh chứng cho sự đúng đắn trong âm nhạc mà họ lựa chọn.

Nhật Minh trở thành Quán quân “Giọng hát Việt nhí 2016” sau tiết mục trình diễn mang đậm sắc màu âm nhạc dân tộc

“Chiêu” để trở thành quán quân

Tại đêm chung kết cuộc thi “Giọng hát Việt nhí 2016”, cậu bé Nhật Minh thể hiện trích đoạn chèo “Phù thủy sợ ma” và ca khúc “Thành phố miền quan họ”. Với 36,09% bình chọn từ khán giả, Nhật Minh trở thành Quán quân của chương trình đúng với dự đoán của nhiều người.

Trước đó, Hồng Minh - Quán quân “Giọng hát Việt nhí 2015” cũng từng thử thách bản thân với việc chọn hát chầu văn Huế. Còn trước nữa tại đêm chung kết “Giọng hát Việt nhí 2014”, cô bé Nguyễn Thiện Nhân gây bất ngờ khi thể hiện ca khúc “Cô Đôi thượng ngàn” cũng thuộc thể loại chầu văn và giành ngôi vị cao nhất. 

Ở một cuộc thi khác, cậu bé Đức Vĩnh cũng trở thành Quán quân “Tìm kiếm tài năng Việt” nhờ khả năng hát chèo xuất sắc của mình. Hay như ca sĩ Hoài Lâm chiến thắng ở chương trình “Gương mặt thân quen” khi dùng “chiêu” hát cải lương để ghi điểm với khán giả. Không khó để nhận ra tại các sân chơi này, mẫu số chung mà các huấn luyện viên vẫn áp dụng khi dẫn dắt học trò của đội mình là hướng họ hát nhạc dân tộc để dễ dàng ghi điểm. 

Âm nhạc dân tộc luôn là niềm tự hào của người Việt khi được rất nhiều tổ chức văn hóa bầu chọn là loại hình nghệ thuật độc đáo, là di sản văn hóa thế giới cần phải bảo tồn. Ở trong nước, dòng nhạc này luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng, bất chấp các loại hình nghệ thuật ở nước ngoài ồ ạt về Việt Nam.

Chèo, tuồng, quan họ, chầu văn, cải lương... vốn là loại hình nghệ thuật đậm chất dân tộc, là đặc trưng của mỗi vùng miền. Sức ảnh hưởng và sự bền bỉ của chèo, tuồng, quan họ, chầu văn hay cải lương là minh chứng cho sự sống mãnh liệt của dòng nhạc được coi là tinh hoa của dân tộc Việt. 

Chính vì vậy, trong các chương trình truyền hình thực tế, có thể thấy, việc lựa chọn những ca khúc mang âm hưởng dân ca hoặc lựa chọn một trong các loại hình nghệ thuật vừa kể trên chính là “chiêu”  của các huấn luyện viên, khi thí sinh vừa thể hiện được tài năng, lại ghi điểm tuyệt đối trong lòng khán giả vì biết yêu nghệ thuật dân tộc.

Nguyễn Thiện Nhân ghi điểm với việc mang “Cô đôi Thượng ngàn” lên sân khấu

Trở lại với nhạc thị trường

Tuy nhiên, việc hát nhạc dân tộc vốn không phải là đam mê của thí sinh, cũng không phải là điểm mạnh, chỉ là một sự thách thức trong cuộc chơi giành giải Quán quân cho cả thí sinh lẫn giám khảo. Minh chứng là sau cuộc thi hầu như không một thí sinh nào đem loại hình nghệ thuật này lên sân khấu biểu diễn.

Trong khi các thí sinh nhỏ tuổi vẫn hát những ca khúc có nội dung chới với giữa tuổi người lớn và trẻ con, thì thí sinh lớn hơn chọn nhạc thị trường để tiếp cận khán giả. Còn chèo, cải lương, chầu văn... là những loại hình nghệ thuật từng giúp họ nhận được sự bình chọn cao từ khán giả thì hầu như không được thể hiện. 

Điều này được lý giải đó là không có nhiều chương trình phù hợp để họ diễn và thực tế thì khán giả Việt không quá mặn mà với các loại hình âm nhạc dân tộc. Họ thích, họ nghe, họ bình chọn nhiệt tình cho thí sinh chỉ đơn giản bởi vì họ được xem miễn phí trên truyền hình.

Hiệu ứng đám đông ở Việt Nam luôn là một mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế. Cái kết sau những chương trình hầu như ai cũng nhìn thấy, nhưng với những thí sinh dự thi thì cứ phải đạt Quán quân đã, mọi chuyện tính sau. Bảo tồn hay phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật dân tộc, có lẽ không phải là câu chuyện mà các Quán quân truyền hình thực tế cần quan tâm.