Muốn “trả đũa” không dễ

ANTĐ - Tình hình kinh tế từ quý II-2014 đã có dấu hiệu khởi sắc, bắt đầu phục hồi bất chấp những tác động từ “sóng gió” Biển Đông. Đó là đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội. Tuy vậy, vẫn còn sớm để nhìn nhận những ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhất là ngoại thương, đầu tư, xuất nhập khẩu, bởi nguy cơ tiềm ẩn trong mối quan hệ với Trung Quốc vẫn đang rình rập. Một khi sống cạnh một người láng giềng “rộng vai nhưng hẹp bụng”, cần phải cẩn trọng, luôn trong tư thế sẵn sàng trước rủi ro ập đến.

Nhiều năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã bị phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc, chiếm tới 28% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nếu chi ly ra, ngành dệt may, da giày trong nước đang phụ thuộc tới 70% nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc. Hiện có tới 5-6 mặt hàng của ta có thế mạnh đều xuất sang Trung Quốc ở dạng thô, ngược lại nhập của nước này từ vật tư, nguyên liệu, máy móc thiết bị cho tới rau quả, thực phẩm, thức ăn gia súc, thậm chí cả cái kim, sợi chỉ. Bộ Công Thương thừa nhận, càng tăng xuất khẩu thì nước ta càng tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, mức độ phụ thuộc càng cao. Hơn 10 năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Chỉ riêng năm 2013, mức nhập siêu lên tới 23 tỷ USD và 5 tháng đầu năm nay ước tính 9,9 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc cả về xuất khẩu và nhập khẩu, Bộ Công Thương đã đề ra giải pháp, một là tăng xuất khẩu, hai là giảm nhập khẩu. Việc tăng xuất khẩu đang làm khá tốt, bằng chứng là 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng với con số ấn tượng 28,4%. Về nhập khẩu, bắt buộc phải giảm tỷ trọng thì mới giảm dần phụ thuộc. Cách duy nhất là tăng cường sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp phụ trợ. Để cân bằng dần cán cân thương mại với Trung Quốc, theo giới chuyên gia, không thể để “trứng vào một giỏ”, tức là phải tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu với những bạn hàng tin cậy như ASEAN, EU, Nhật, Mỹ và tìm kiếm các thị trường mới…

Lo ngại và phòng ngừa khả năng Trung Quốc “trả đũa” như dừng hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, thậm chí đóng cửa biên giới, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, họ không dễ gì làm được điều đó, bởi giao thương với Việt Nam hiện là nguồn thu chính của một số tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Hơn thế, Việt Nam còn là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc. Họ đang có những lợi ích lớn nhỏ từ các dự án đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tại Việt Nam. Tất cả đều khiến họ phải cân nhắc trước khi tung ra bất kỳ “chiêu trò” gì. Lo xa, đề phòng và chủ động thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc, là không thừa. Song cũng cần tỉnh táo, bình tĩnh nhìn rõ một thực tế là, dù muốn “trả đũa” kinh tế với Việt Nam, phía Trung Quốc cũng không dễ dàng gì như đang hành động bạo ngược trên Biển Đông.