Muôn mặt "cò"... lừa

ANTĐ - “Cò” là một từ chuyên dùng để chỉ những người làm nghề môi giới, giới thiệu để thỏa mãn nhu cầu khách hàng và kiếm tiền từ việc môi giới đó. Có loại cò có môn bài tức là có đăng ký kinh doanh như Trung tâm giới thiệu việc làm, môi giới nhà đất, hôn nhân, thậm chí là công ty tư vấn dự án… Gọi là có môn bài là vì họ có tư cách pháp nhân, đăng ký kinh doanh hẳn hoi. Lại có loại cò đứng đường, thường gọi là “chỉ trỏ” hoặc đơn giản là “cò”. 

Cũng phải nói cho đúng, chính các hoạt động môi giới này đã đóng góp khá nhiều cho xã hội, giúp chúng ta tiếp cận với dịch vụ, tiếp cận với mục tiêu một cách nhanh nhất. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, với những khó khăn về kinh tế, nhu cầu tiêu dùng xã hội giảm mạnh khiến “cò” thất nghiệp nhiều, một bộ phận không nhỏ “cò” đã chuyển sang lừa trắng trợn. “Cò lừa” đang diễn ra ngày một trầm trọng, họ nhà “cò lừa” sinh sôi một cách nhanh chóng và có nhiều chủng loại: “cò đất”, “cò bệnh viện”, “cò việc”, “cò bến xe”... mà hầu hết chỉ với một mục đích là… lừa.

“Cò” lừa bệnh viện

Nghe đồn đã lâu, tôi đến một bệnh viện ở Hà Nội để tận mắt chứng kiến hình dáng cũng như cách kiếm ăn của loại cò có tên là “cò bệnh viện”. Tôi ngồi xuống một quán nước ven đường, đang tính giả vờ đi phá thai để kiếm thông tin, thì có một chị tầm ba chục tuổi, dáng vẻ có lẽ không phải người ở thành phố, mặt tái nhợt, ngồi xuống ngay cạnh tôi để mua chai nước lọc.

Sau vài câu than vãn về tình trạng xếp hàng đông, chật chội chen lấn mà mãi không khám bảo hiểm được, chị ta liền quay sang than thở: “Cực lắm cô ơi, tôi mang thai đến 23 tuần rồi, nhưng đứa này là đứa thứ 3, cả hai vợ chồng đều là công chức Nhà nước, nên không giữ được, đành phải bỏ nó đi. Nhưng chạy suốt từ sáng tới giờ mà vẫn chưa làm được. Lúc sáng tôi đến bệnh viện định vào khám, thì có một cô đến hỏi han và bảo tôi là bệnh viện  đông đúc chật chội, chờ đến bao giờ, cô ấy giới thiệu tôi đến bệnh viện này, nói là các bác sĩ ở đây chăm sóc tận tình chu đáo, dịch vụ tốt mà giá cả lại đảm bảo, tôi phải mất 200.000 đồng để cô ấy dẫn đến đây, nhưng lúc nãy khám thì bác sĩ lại bảo thai to nên từ chối không làm…”.

Chị ta than thở đến đấy, chưa kịp nói thêm thì bà hàng nước đã nhanh nhảu: “Thế mà em không bảo chị, chị có người quen trong ấy, xong ngay, 300.000 đồng, chị giới thiệu cho, đảm bảo không có vấn đề gì”. Chị này nghe thấy vậy, có lẽ vì đã quá mệt nên gật đầu đồng ý, bà hàng nước ra hiệu cho một người đứng phía bên kia cổng viện, một người thanh niên nhanh chóng đến và đưa chị này vào. Lúc đấy tôi mới biết, hóa ra bà hàng nước cũng là họ nhà “cò”. Với cách giao dịch nhanh gọn này, những người ở quê lên đây khám bệnh và những người bận rộn muốn tiết kiệm thời gian rất dễ bị “làm tiền”.

Ngồi quan sát thêm một chút, tôi dễ dàng nhận ra bộ dạng của loại cò này. Thế nhưng, để vào khám bệnh một cách suôn sẻ, thì ít nhất phải trải qua 3 lượt “cò”. Như chị lúc nãy mà tôi gặp, tính ra chị đã mất một khoản tiền cho “cái cô” mà giới thiệu chị sang bệnh viện này, sau đó lại mất 300.000 đồng cho bà hàng nước để được dẫn vào làm thủ tục, tiếp đó tôi chắc chị phải mất một khoản tiền nữa cho một “cò” trong bệnh viện thì mới mong mọi chuyện được giải quyết một cách tốt đẹp và nhanh chóng nhất. 

Ở ngay cổng bệnh viện, túc trực luôn là cánh “xe ôm” và hàng nước, họ chuyên quan sát xem đối tượng nào vào khám, đối tượng nào chỉ đi thăm bệnh nhân, chỉ cần ôm túi đứng lơ ngơ ngoài cổng bệnh viện, ngay lập tức sẽ được “chăm sóc” bởi đội ngũ “chuyên nghiệp” này.

“Cò” lừa đất, “cò” lừa nhà 

Thêm một loại “cò” mà hiện số lượng cũng như cách thức kiếm ăn của chúng đang khiến người dân vô cùng bức xúc có tên là “cò bất động sản”. Giá nhà đất quá cao, vượt khả năng chi trả của đại bộ phận người làm công ăn lương tại Hà Nội đã khiến nhu cầu thuê nhà trở nên bức thiết hơn lúc nào hết. Đây là điều kiện tốt để vô khối những văn phòng, trung tâm môi giới nhà đất mọc lên như nấm. Tại Hà Nội, những khu tập trung nhiều các trung tâm môi giới nhà đất nhất phải kể đến Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai... nơi tập trung một số lượng đông đảo sinh viên và người đi làm thuê trọ. Hầu hết các trung tâm này thường không có giấy phép kinh doanh, hoạt động chui, tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. 

Chiêu thức quen thuộc được các trung tâm môi giới nhà đất sử dụng là dán tờ quảng cáo lên tường, đăng thông tin trên mạng (tại các trang rao vặt, quảng cáo miễn phí) với tần suất cao. Hầu hết các thông tin đưa lên đều giả mạo trung tâm môi giới nhưng vẫn ngang nhiên rao "cho thuê nhà chính chủ (miễn trung gian)" và đưa thông tin rất hấp dẫn nhằm câu kéo sự quan tâm của người đi thuê. Nhiều người dù đã cảnh giác nhưng cuối cùng vẫn bị mắc bẫy của "cò lừa".

Một chị bạn tôi là nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội, cũng đang có nhu cầu thuê một căn nhà riêng cho hai vợ chồng. Tìm hiểu khắp các trang rao vặt, chị thấy lời mời chào hấp dẫn: "Cho thuê nhà riêng chính chủ, diện tích 50m2x1 tầng, 3 triệu đồng/tháng khu Lò Đúc, liên hệ anh Dũng 09349275xx". Tuy nhiên, khi đến nơi chị mới biết đó là trung tâm môi giới. Theo như trung tâm này, chị phải mất 200.000 đồng cho “cò” để được dẫn đi, còn sau khi thuê được nhà, chị phải mất thêm 50% tiền của một tháng trọ cho trung tâm. Quá cần nhà chị nhắm mắt nộp tiền, nhưng hỡi ơi, căn nhà gác gỗ nằm sát cạnh con kênh nước thải hôi thối, diện tích chỉ hơn 20m2, tiền thuê trả trước cả năm. Hỏi xin lại tiền, cậu dắt mối cười như điên: Chị nói thế nào ấy, có nhà đúng như em tả cho chị, chị không thuê là quyền của chị, em dẫn chị đi chỉ lấy tiền công thôi. Nhìn dáng to khỏe lại thêm tý xăm trổ trên tay, chị lặng lẽ quay đi.

Cũng tương tự như chị bạn tôi, chị Hoa, nhân viên một ngân hàng tại Hà Nội tìm trên mạng được một căn hộ ưng ý, gọi điện hỏi thì được biết chủ nhà đang có việc gấp nên cho thuê giá rẻ. Đi đến nơi theo đúng địa chỉ, gọi điện cho bên kia thì được trả lời: "Chị đợi 1 chút, tôi đang về". Đợi gần 30 phút, thấy một người đàn ông chừng 40 tuổi đến hỏi: "Chị muốn thuê nhà thì cho tôi 100.000 đồng tôi dẫn đi xem". Đến nơi, đúng theo lời giới thiệu nhà 27m2x3 tầng nhưng căn nhà cũ kỹ, ẩm thấp; tệ hại hơn mỗi tầng là một khu không ngăn phòng và chỉ có 1 nhà vệ sinh duy nhất ở tầng 1. Quá thất vọng vì biết mình bị lừa nhưng không làm gì được chị đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" quay về.

Các loại “cò lừa” thậm chí còn len lỏi cả vào giới sinh viên để moi tiền những đối tượng xa quê lên thành phố nhập học. “Bắt mạch” được nhu cầu tìm thuê nhà của sinh viên, nhiều “cò” đưa ra những chiêu quảng cáo hấp dẫn nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để cảnh giác với những chiêu lừa của các “cò nhà”. Dù đó là những chiêu thức cũ rích song vẫn có những sinh viên trở thành nạn nhân, ngoan ngoãn nộp các khoản tiền “ngây thơ phí”. Hiện nay công nghệ thông tin phát triển, hầu hết các bạn sinh viên tìm thông tin thuê phòng trên internet, vậy là các “cò” cũng trở thành thành viên mẫn cán ở trên các trang mạng điện tử, nhưng thay vì rao tin có nhà cho thuê thì “cò” kiểu này hay đăng tin dạng như: “Cần thuê nhà khu vực gần trường ĐH Thủy lợi,…”, cần “tìm bạn chung phòng”… Những tin kiểu như vậy “câu khách” khá hiệu quả. Chỉ cần vài thành viên khác cùng vào than thở: “Tớ cũng tìm nhà gần trường ĐH Thủy lợi gần cả tháng nay rồi”, thế là “cá đã cắn câu”, đủ cho các cò nhà “làm ăn”. Vậy là kẻ muốn cho thuê lại đóng vai kẻ đi thuê. Rút cuộc chỉ có các sinh viên khổ sở đi tìm phòng thuê trọ, đã khó khăn vì các khoản chi phí không tên khác cho cuộc sống sinh viên, giờ lại mất thêm tiền “dại” để “nuôi cò”.

Còn một dạng lừa khác của “cò” môi giới cho thuê nhà. Bọn này thường thuê một phòng nhỏ chỉ vài m2 làm địa điểm kinh doanh. Không biết có xin phép hay không nhưng gọi là trung tâm môi giới nhưng chỉ kê vừa cái bàn và xung quanh chăng đầy băng rôn, biển quảng cáo hấp dẫn. Bất kỳ ai có nhu cầu thuê nhà đều được các “cò” đưa ra lời hứa chắc như đinh đóng cột: “Sẽ dẫn anh, chị đi xem đến khi nào ưng ý thì thôi!”. Tuy nhiên trước khi được “cò” dẫn đi, “anh, chị” phải ký vào một tờ giấy thỏa thuận và nộp cho cò từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng tùy vào yêu cầu của người thuê…

Sau khi tiền môi giới đã được trao cho “cò”. “Cò” sẽ gọi một “nhân viên” có nhiệm vụ chuyên dẫn người đi xem nhà nhưng thực chất là một anh “xe ôm” ở đầu ngõ. Anh “xe ôm” này cũng đưa khổ chủ đi một số nơi để xem thật, nhưng anh ta toàn đưa đến nhà khóa cửa và quay ra nói chủ nhà đi vắng, hoặc đưa đến nhà “có chủ” nhưng chủ lại bảo không có nhu cầu cho thuê. Thậm chí tay xe ôm còn đưa đến nhà “người quen”, rồi chủ nhà mở cửa ra bảo: tôi vừa mới thuê rồi. Bài cuối cùng là “xe ôm” đưa “khổ chủ” đến một cái nhà bỏ không tồi tàn xập xệ, không thể ở được, khiến khổ chủ phải “lắc đầu”. Đến nước này thì em chịu rồi, nhà chỉ có như thế thôi, anh chị không ưng thì đành thôi vậy. Nhà chưa thuê được, nhưng mà tiền thì đã trót trao cho “trung tâm môi giới” rồi. Quay lại đòi thì trung tâm đã đóng cửa từ lúc nào. Đòi “nhân viên dẫn đường” thì nhận được câu trả lời: “Đấy là việc của anh chị với trung tâm, em chỉ là người dẫn đi xem, anh chị không ưng thì thì thôi!”. Đến nước này thì khổ chủ mới biết mình bị lừa mất 300.000 đồng. Tính ra tiền “xe ôm” để đưa đi vài chỗ loanh quanh trung tâm chỉ đáng 10.000 đồng. Điều đáng nói là các “trung tâm môi giới lừa” như thế này hoạt động khá phổ biến tại các khu vực đông dân cư, các khu gần các trường CĐ, ĐH ở Hà Nội. Và đã không biết bao nhiêu người đã mắc lừa bởi các trung tâm bát nháo như vậy.

“Cò” bến xe giảm do công an làm mạnh

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết, thời điểm này là khoảng thời gian bội thu của một loại cò có tên là “cò bến xe”. Dù có biển cấm, nhưng bến xe nhộn nhịp vẫn luôn có đám cò  lảng vảng để chèo kéo, thậm chí đe dọa, ép khách đi xe. Ở các bến xe hiện nay tồn tại 3 loại “cò”. Thứ nhất là “cò” chuyên nghiệp - đây là những đối tượng không có công ăn việc làm, đến bến xe làm “cò”, dắt khách cho nhà xe. Loại thứ 2 chính là “cò” của nhà xe, đây là những người lao động phụ lái của xe, trực tiếp tham gia để mời chào dẫn khách vào trong xe, đến giờ xe chạy nhóm “cò” này sẽ theo xe luôn. Thứ 3 là nhân viên điều hành của nhà xe hoặc của một công ty xe khách nào đấy, hàng ngày họ làm lệnh, điều hành xe theo tuyến của công ty và cũng tham gia “cò”. Những loại “cò” này thường có hành vi chèo kéo, mời mọc, thậm chí ép khách lên xe của họ và lợi nhuận của các “cò” là hoa hồng mà các chủ xe trả cho khi mời được khách. Chỉ cần bước chân vào bất cứ bến xe nào, bạn cũng sẽ dễ dàng gặp cả chục nam thanh niên đội mũ lưỡi trai lảng vảng khắp nơi, hễ thấy khách là chạy ra chèo kéo. Khi mời khách không được, họ quay ra lườm nguýt, còn nếu khách không trả lời họ liền chửi bới. Đám cò này tuy không gây thiệt hại nhiều  nhưng gây phiền phức, khó chịu cho hành khách và nhiều khi tranh giành dẫn đến ẩu đả, đánh nhau gây mất ANTT. Còn một loại “cò” khác kiếm tiền từ hành khách đó là “cò” vé. Lợi dụng dịp áp Tết, người múa vé đông, tâm lý nhiều người dân ngại chen chúc, các “cò” tụ tập ở các quán nước cổng Ga Hà Nội và chỉ cần thấy bóng hành khách là “cò” lao ra chặn đường chèo kéo để bán vé nhằm “ăn” chênh lệch.

Khảo sát tại bến xe trên địa bàn Hà Nội trong thời gian này có thể thấy hiện tượng chèo kéo của các loại “cò” đã giảm nhiều so với thời gian trước đây. Tại Bến xe phía Nam, tình trạng xe chạy lòng vòng, chạy chậm để bắt khách không còn nhiều. Tại cổng các bến xe, các đơn vị chức năng đặc biệt là lực lượng Cảnh sát, dân phòng đã tổ chức phân khúc, phân đoạn từng khu vực để kiểm tra, xử lý những vi phạm khiến các đối tượng “cò mồi” cướp khách, lối kéo khách không còn hoạt động công khai, ngang nhiên; tình trạng hành khách bị “trấn lột”, chèn ép lên xe một cách trắng trợn không còn.

Cũng vào thời điểm này năm ngoái, Phòng Cảnh sát Hình sự đã nêu đích danh những chiếc xe chuyên vòng vo, sử dụng “cò mồi” đón khách và đề nghị Sở GT-VT Hà Nội có biện pháp xử lý thì tình trạng này chỉ tạm chấm dứt. Tuy nhiên vào những ngày lễ, Tết, đặc biệt là dịp cuối năm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì nạn “xe dù”, “cò mồi” lại tái xuất không những gây bức xúc cho hành khách mà những chiếc xe này còn gây ùn tắc nghiêm trọng tại ngay những tuyến đường huyết mạch, đầu mối giao thông quan trọng. Quyết dẹp nạn “cò mồi”, “xe dù”, bến cóc, xe chạy lòng vòng bắt khách, ngay từ đầu tháng 10-2012, Bến xe phía Nam đã tổ chức hàng loạt chốt trực liên ngành, đồng loạt ra quân xử lý các vi phạm.

Trung tá Hoàng Đăng Phong - Trưởng trạm Cảnh sát Bến xe phía Nam cho biết, thực hiện kế hoạch chung của Công an TP Hà Nội, CAQ Hoàng Mai, Trạm Cảnh sát Bến xe phía Nam đã tham mưu cho Công ty Quản lý bến xe Hà Nội và Xí nghiệp Quản lý bến xe phía Nam giao cho lực lượng kiểm soát của bến làm tốt công tác quản lý chặt chẽ cửa soát vé, tuyên truyền hướng dẫn để hành khách vào các quầy để mua vé sau đó ra xe, không đứng đón xe ngoài đường, ngoài cổng bến gây cản trở ùn tắc giao thông, tạo cơ hội cho “cò mồi” hoạt động; tổ chức sắp xếp các khu vực đón, trả khách theo từng khu vực cụ thể và duy trì công tác phối hợp quản lý đội xe máy chở khách tại bến xe để làm giảm số người hành nghề xe ôm tự do đón khách trên tuyến đường Giải Phóng và cửa bến xe.

Chỉ trong tháng 12, Trạm Cảnh sát Bến xe phía Nam đã phối hợp với lực lượng 142, Công an TP Hà Nội xử lý hành chính 20 trường hợp lái phụ xe, đối tượng cò chuyên nghiệp tham gia mời chào, dẫn dắt khách vào xe. Ngoài ra còn thu thập, tích lũy tài liệu, hồ sơ những đối tượng “cò” chuyên nghiệp ở tỉnh ngoài lang thang đưa đi tập trung giáo dục theo quy định. Làm một con số so sánh, nếu như tháng 11-2011 đã xử lý 80 “cò” gây mất trật tự tại bến xe; tình trạng ở cổng bến “cò” xe bâu kín, gây mất trật tự và mỹ quan, gây bức xúc trong dư luận thì nay đã không còn những hiện tượng trên.

Đối với loại “cò” vé, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng công an, rất cần sự kiên quyết của nhân viên nhà ga không “tuồn” vé ra chợ đen để “cò” hoạt động. Chính vì thế mới nói để xử lý triệt để các loại “cò” thì điều quan trọng là phải xử lý tận gốc, không tạo “môi trường” cho “cò” hoạt động vì “đục nước” thì mới “béo cò”.

“Đục nước” thì mới “béo cò”

Trung tá Lê Kim Đồng, Đội phó Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm trên tuyến và địa bàn cho biết, việc CSHS xử lý đội ngũ “cò mồi” tại các bến xe không phải là quá khó. Thậm chí với những đối tượng manh động, cơ quan công an có thể lập hồ sơ khởi tố hình sự. Tuy nhiên xử lý “cò mồi” chỉ là phần ngọn, cơ bản để có thể dẹp được “cò” thì nhất thiết phải dẹp “xe dù” trước, bởi đây mới chính là “mảnh đất màu mỡ” cho “cò” sinh sôi. Và để làm được điều đó thì trách nhiệm trước tiên lực lượng Thanh tra giao thông và CSGT phải vào cuộc theo đúng chức trách, thẩm quyền của họ. 

Liên quan đến “cò bệnh viện”, lần đầu tiên Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cùng một số lãnh đạo các bệnh viện lớn đầu ngành ở Hà Nội đã phải thừa nhận rằng, nếu không có sự tiếp tay của nhân viên y tế thì “cò” khó có thể đưa bệnh nhân “lọt” vào các khoa, phòng khám. Nhiều bệnh viện phát loa ra rả suốt ngày đêm, dán thông báo ngoài cổng để dân “nâng cao cảnh giác”. Có nơi còn ký cả hợp đồng với công an phường, dân phòng, lực lượng an ninh trật tự, mà “cò nội”, “cò ngoại” vẫn cứ nhan nhản, nhởn nhơ trong và ngoài bệnh viện. Thử hỏi loại “cò đen” ngoài xã hội nếu không kết đàn với “cò trắng” trong bệnh viện thì làm sao kiếm ăn trên thân thể người bệnh được. 

Tệ nạn “cò” bệnh viện vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có sự phối kết hợp của chính các cán bộ, nhân viên trong bệnh viện. Nhưng từ trước đến nay, chỉ có các “cò” bị xử lý chứ chưa có cán bộ y tế nào bị kỷ luật cả. Bộ Y tế mới ra một văn bản chỉ đạo lập tổ công tác chuyên biệt để dẹp nạn “cò” bệnh viện, cùng với những quy định khá cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, không biết bộ máy này đã được thành lập và phát huy tác dụng như thế nào mà vẫn thấy “cò” nhởn nhơ hoạt động.

Theo bác sĩ Vũ Quý Hợp, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Nhi Trung ương: “Bệnh viện Nhi Trung ương cũng là một trong những bệnh viện có đông bệnh nhân đến khám và nhập viện. Nhưng đông thì đông, chúng tôi vẫn hạn chế được tình trạng “cò mồi” bằng cách: Xây dựng một hệ thống khám chữa bệnh quy củ, có hệ thống. Vì thế, tuy bệnh nhân đông nhưng hệ thống khám chữa bệnh vẫn trôi chảy, “cò” không thể chen vào được. Chúng tôi cũng phòng ngừa “cò” bằng cách bổ sung thêm nhiều chỗ thanh toán viện phí để hạn chế bệnh nhân đi lại cũng như phòng tránh sự trà trộn, gạ gẫm, móc nối của “cò”. Vị bác sĩ này cũng khẳng định điều quan trọng nhất, từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên y tế trong bệnh viện đều quyết tâm, đồng lòng chống “cò”.

Hiện nay, theo ước tính thì trên địa bàn TP Hà Nội có gần 80% sinh viên ngoại tỉnh của 50 trường ĐH, CĐ, THCN sinh sống và học tập đã tạo một sức ép lớn về chỗ ở, nhà trọ. Để giảm bớt gánh nặng cho các bạn tân sinh viên mỗi kỳ nhập học mới, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên các trường ĐH, CĐ, thậm chí các cơ quan chức năng của thành phố nên có chính sách cụ thể giúp đỡ cũng như hỗ trợ các bạn ổn định nơi ăn, chốn ở. Đây chính là cách chia sẻ khó khăn với các tân sinh viên trước mỗi mùa nhập trường, để giúp các sinh viên lần đầu tiên xa nhà không chồng chất thêm những khó khăn khi mắc lừa các loại “cò” nơi thành phố.

Những sai phạm và phiền nhiễu mà các trung tâm môi giới nhà đất gây ra rất dễ nhận thấy, song việc xử lý các đối tượng này lại không hề dễ dàng. Bởi phần lớn các trung tâm đều không có giấy phép kinh doanh, thường hoạt động chui, tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cơ sở hoạt động của các trung tâm thường vô cùng thô sơ, chỉ một hai nhân viên, vài chiếc máy tính, một số "chân rết" xe ôm và hoạt động không cố định "nay đây mai đó". Khi có lực lượng chức năng đi kiểm tra các đối tượng này “giải tán” văn phòng nhanh chóng hoặc đóng cửa, khi lực lượng chức năng đi khỏi lại hoạt động như thường. Hiện nay, nhu cầu thuê nhà của người lao động tại  Thủ đô vô cùng lớn, những trung tâm nhà đất "ma" mọc lên như "nấm sau mưa", nếu không được quản lý và giải quyết triệt để sẽ gây ra nhiều phiền nhiễu cho xã hội. Hiện chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra quản lý chất lượng dịch vụ của những trung tâm này.

Tại nước ngoài, các trung tâm môi giới nhà đất bị quản lý chặt chẽ về chất lượng, nếu khách hàng đi thuê phòng qua trung tâm chỉ cần bất cứ một sự cố gì liên quan đến vấn đề an ninh hay sự cố liên quan đến chất lượng căn phòng khách đang thuê thì trung tâm môi giới nhà đất sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Còn ở Việt Nam, nhiều khi khách hàng thấy mình bị lừa trắng trợn cũng không biết kêu ai. Các cơ quan chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn trong lĩnh vực này.

Còn biết bao loại “cò”: cò nhà, cò đất, cò chứng khoán, cò thủ tục giấy tờ, cò chạy trường, chạy lớp… Dân gian đã đúc kết rằng “đục nước béo cò”. Một khi mọi loại “nước” đều trong lành; cán bộ, công chức, bác sĩ đều trong sạch thì “cò” làm sao sống nổi. Thế nên người ta mới gọi là sống “cộng sinh”, dựa vào nhau mà sống, mà kiếm ăn. Giăng bẫy diệt “cò” không khó, khó nhất là làm cho “nước” không vẩn đục.