Muốn hội nhập thành công, doanh nghiệp cần ưu tiên điều gì?

ANTD.VN - Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, nâng cấp về công nghệ là ưu tiên thứ tư đối với doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, không phải là ưu tiên thứ nhất.

Còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp hội nhập

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc để hội nhập thành công, doanh nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam cần nâng cấp công nghệ như thế nào, ông Phạm Đình Thúy- Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục thống kê) cho hay, để hội nhập thành công, doanh nghiệp có nhiều việc phải làm.

“Đầu tư công nghệ là một trong những ưu tiên phát triển, tuy nhiên không phải là ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, doanh nghiệp cần ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; tìm kiếm mở rộng thị trường; nâng cấp công nghệ; tăng vốn; và cuối cùng là đào tạo lại lao động.

Nâng cao về công nghệ xếp ở vị trí thứ tư trong các ưu tiên trên”- ông Phạm Đình Thúy cho hay.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV-2018 cho thấy: Có 44,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV-2018 tốt hơn quý trước; 16,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự kiến quý I-2019 so với quý IV-2018, có 47,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 37,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Trên thực tế, chưa nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu có nguyên nhân từ hạn chế công nghệ, song đây vẫn chỉ là một trong rất nhiều rào cản hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam.

Đại diện Tổng cục thống kê cho rằng, Việt Nam là 1 trong những nước đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Kết quả khảo sát gần đây về mức độ sẵn sàng hội nhập của doanh nghiệp cho thấy, có 94,5% doanh nghiệp Việt Nam biết đến các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Trong đó, có 83,9% doanh nghiệp ủng hộ sự tham gia này.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Công Thương, có 86,1% doanh nghiệp biết đến Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); 88% doanh nghiệp cho biết sẽ cải thiện sản xuất trong 3 năm tới.

“Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để hội nhập quốc tế, chưa thể hiện sự hiểu biết, còn nhiều vướng mắc trong tận dụng các cơ hội do hội nhập mang lại”- ông Phạm Đình Thúy nói.