Mượn giấy phép xuất khẩu lao động, doanh nghiệp sẽ bị phạt 200 triệu đồng

ANTD.VN - Đây là mức phạt cao nhất được quy định tại dự thảo sửa đổi Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cơ quan soạn thảo cho biết, trong thời gian gần đây, nhiều Luật có liên quan trực tiếp đến Nghị định trên đã được sửa đổi, ban hành mới làm cho một số quy định không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, quá trình tổng kết tình hình thi hành gặp phải một số bất cập, khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: mức xử phạt thấp, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả chưa đảm bảo tính răn đe... Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện hành.

Theo dự thảo Nghị định, đối với những vi phạm điều kiện hoạt động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mức xử phạt được quy định từ 5 triệu đến 200 triệu.

Trong đó, mức phạt cao nhất từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với doanh nghiệp có một trong các hành vi sau đây: Sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp khác để tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp mình để đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài...