“Muốn được hết mình cùng cuộc sống”

(ANTĐ) - Lần đầu tiên gặp Nguyễn Phan Quế Mai đó là khi chị cùng nhóm thơ trẻ 360 độ trình diễn thơ trong Ngày thơ Việt Nam 2009, chị đọc thơ của mình bằng giọng đọc... nửa Nam nửa Bắc. Nghe giọng đọc là lạ đó, cũng có đôi chút khó chịu, nhưng rồi càng nghe, tôi càng bị những vần thơ của chị chinh  phục, bởi ở đó, tôi như thấy được những mong ước, nhớ nhung và cả những hờn giận rất... đàn bà.

Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai:

“Muốn được hết mình cùng cuộc sống”

(ANTĐ) - Lần đầu tiên gặp Nguyễn Phan Quế Mai đó là khi chị cùng nhóm thơ trẻ 360 độ trình diễn thơ trong Ngày thơ Việt Nam 2009, chị đọc thơ của mình bằng giọng đọc... nửa Nam nửa Bắc. Nghe giọng đọc là lạ đó, cũng có đôi chút khó chịu, nhưng rồi càng nghe, tôi càng bị những vần thơ của chị chinh  phục, bởi ở đó, tôi như thấy được những mong ước, nhớ nhung và cả những hờn giận rất... đàn bà.

- PV: Chị đón nhận tin tập “Cởi gió” được trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2010 với tâm trạng thế nào?

- Nguyễn Phan Quế Mai: Trước hết, tôi cảm thấy hết sức bất ngờ. Tuy không được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng tôi đã gắn bó với thành phố này từ năm 1998. Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội có ý nghĩa rất lớn với tôi, như một sự khai sinh tinh thần, để tôi có thể tự hào rằng mình đã trở thành một người con của Hà Nội, được viết và được sống trong môi trường văn học nghệ thuật Hà Nội.

- PV: Chị có thấy sau khi xuất hiện trên Sân thơ trẻ 360 độ, bạn đọc, người yêu thơ mới biết đến chị nhiều hơn?

- Nguyễn Phan Quế Mai: Trước khi tham gia Sân thơ trẻ 360 độ năm 2009, tôi chưa thực sự giao lưu với thế giới văn chương, vì công việc của tôi không liên quan đến văn học. Tôi viết chủ yếu như một nhu cầu cá nhân và không xác định mình sẽ gắn bó với nghiệp viết. Sân thơ trẻ 360 độ giúp cho tôi được sống trong không khí văn chương, trong tình cảm của các cây bút tham gia sân thơ, và của các nhà văn, nhà thơ đi trước. Sân thơ này cũng giúp tôi gặp gỡ và giao lưu với bạn đọc và người yêu thơ và tôi rất xúc động trước tình cảm của họ. Cơ hội tương tác với bạn đọc giúp tôi suy nghĩ nhiều hơn về nghề viết, và nghiêm túc hơn trong công việc sáng tác của mình.

- PV: Đọc thơ chị, thấy chị viết nhiều về tuổi thơ, có vẻ như chị đã từng có một tuổi thơ đẹp, êm ả và thanh bình?

- Nguyễn Phan Quế Mai: Trái lại, tôi đã có một tuổi thơ hết sức khổ cực. Tôi sinh ra ở Ninh Bình, nhưng lớn lên ở Bạc Liêu, Minh Hải. Tôi đã phải bươn trải với nghề bán thuốc lá dạo, bán rau ngoài chợ. Tuy khổ cực, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự yêu thương của gia đình, vẻ đẹp của đồng lúa, cánh diều... Quá khứ khổ cực dạy cho tôi biết vững vàng, tự chủ, vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Tôi là người trân trọng quá khứ.

- PV: Nhiều người nhận xét, chị là người đàn bà biết yêu, biết sống, biết ước mơ và dành nhiều thời gian để thực hiện ước mơ của mình. Chị nghĩ sao về lời nhận xét này?

- Nguyễn Phan Quế Mai: Công việc truyền thông để xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn cho tôi tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, nhiều số phận. Sự vươn lên và nghị lực sống của họ làm tôi thiết tha và muốn hết mình với cuộc sống này hơn. Một ngày tôi còn sống, còn làm việc, còn ước mơ là một ngày tôi còn hạnh phúc.

- PV: Từng được Hội Nhà văn Việt Nam tặng thưởng về những đóng góp cho Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam năm 2010, chị sẽ tiếp tục làm gì để giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài? 

- Nguyễn Phan Quế Mai: Tôi đang nỗ lực giới thiệu văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế, với sự góp sức của những nhà văn, nhà thơ nước ngoài mà tôi biết. Cụ thể, tôi đã dịch một số tập thơ từ Việt sang Anh, với sự cộng tác của các nhà thơ Mỹ Jennifer Fossenbell và Bruce Weigl. Hai tập thơ dịch đã được in ở Việt Nam, một tập chuẩn bị in ở Mỹ và 3 tập khác đang trong giai đoạn hoàn thành bản thảo. Dịch thơ là một việc cực kỳ gian nan và mất thời gian, nhưng tôi mong muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế những tinh hoa của ngôn ngữ Việt.

- PV: Theo chị, làm thế nào để thi ca Việt Nam đến được với sân thơ quốc tế?

- Nguyễn Phan Quế Mai: Đã có khá nhiều nhà thơ Việt Nam được mời giao lưu tại các sân thơ quốc tế, nhưng việc giới thiệu văn học của chúng ta chưa được bài bản. Tôi mong Chính phủ và Hội Nhà văn Việt Nam phát triển chiến lược giới thiệu văn học Việt Nam, và đầu tư phát triển đội ngũ dịch giả văn học. Tôi mong sẽ có những hội thảo, những cuộc trao đổi cởi mở, chân tình về kỹ năng dịch thuật văn học để những dịch giả trẻ như tôi có thể học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. 

- PV: Chị đã viết rất nhiều về Hà Nội. Bài thơ nào về Hà Nội mà chị ưng ý nhất?

- Nguyễn Phan Quế Mai: Được sống ở Hà Nội, mỗi ngày dường như cho tôi cơ hội khám phá một bất ngờ mới về thành phố này. Tôi thích viết về những con người làm nên vẻ đẹp của Hà Nội. Đây là câu thơ tôi viết về những người bán hàng rong, những người hát cho tôi nghe những bài hát đẹp nhất về Hà Nội: “Họ gánh về cho tôi mùa ổi, mùa xoài, mùa mận/ Mùa sen mùa cốm trên vai/ Cả nắng ban mai cả hoàng hôn tím/ Ngày đi rưng rưng đôi dép lê”.

- PV: Xin cảm ơn chị!

Quỳnh Vân (Thực hiện)