Muốn đột phá - phải cải cách

ANTĐ - Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới đòi hỏi phải có những giải pháp tạo đột phá, trong đó đổi mới cơ chế là nhân tố then chốt.
Muốn đột phá - phải cải cách ảnh 1

- PV: Báo cáo của Chính phủ tại Quốc hội cho thấy những tín hiệu tích cực của kinh tế xã hội trong 4 tháng đầu năm 2015, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, thách thức đáng lo ngại. Theo Bộ trưởng, vấn đề nào trong thời gian tới cần cần lưu tâm để có giải pháp tháo gỡ?

- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Theo tôi, một trong những vấn đề kinh tế cần quan tâm trong các tháng còn lại của năm 2015 là nông nghiệp. Trong quý I vừa qua, tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng như xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu về nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thị trường thế giới thu hẹp lại, đặc biệt là mặt hàng gạo và cao su. Khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam so với mặt hàng cùng chủng loại các nước khác đang tham gia vào thị trường chưa cao. Nếu không tháo gỡ, cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách bài bản hơn thì các mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục khó khăn trong cạnh tranh. 

- Theo Bộ trưởng, động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế  thời gian tới là gì? 

- Một thể chế để tạo ra động lực huy động toàn bộ nguồn lực trong tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn lực trong dân, đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Giống như trước đây chúng ta thực hiện Chỉ thị 100, Nghị quyết khóa X, vẫn là nền nông nghiệp đấy, vẫn là đầu tư đấy nhưng khi có cơ chế đúng, chúng ta từ một đất nước thiếu ăn đã trở thành một nước xuất khẩu gạo. Đấy không phải đầu tư thêm mà chính là thể chế. Thể chế sẽ là chìa khóa quyết định cho sự đột phá, tăng trưởng của kinh tế. 

- Bộ trưởng từng nói đây chính là thời cơ để cải cách thể chế mạnh mẽ. Vì sao, thưa Bộ trưởng?

- Vì những động lực chúng ta đã xây dựng, áp dụng 30 năm trước trong công cuộc đổi mới, đến nay tác dụng của nó đã yếu. Giờ phải có biện pháp cải cách mạnh hơn để đột phá. Đó như một yêu cầu của thời cuộc. Thời điểm này càng quan trọng hơn vì chúng ta đang kết thúc một nhiệm kỳ để bước sang giai đoạn mới. Vì vậy không thời điểm nào tốt hơn lúc này để chúng ta đánh giá lại nhiệm kỳ và đưa ra chính sách cho giai đoạn mới. Chúng ta cần đưa ra được những định hướng về chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới, thậm chí dài hơi hơn để có được sự đột phá và tạo sự đồng thuận.