Sách điện tử Việt Nam

Muốn “dấn thân” nhưng lại sợ…

ANTĐ - Với tốc độ phát triển chóng mặt của internet, Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng cho sự phát triển của dòng sách điện tử (E-book), song khi đề cập đến việc kinh doanh dòng sách này, nhiều NXB vẫn tỏ ra thận trọng, trong khi cộng đồng mạng bắt đầu thích thú với loại hình xuất bản đầy mới mẻ này.
 Sách điện tử được cho là phương tiện thay thế sách in trong tương lai
 Sách điện tử được cho là phương tiện thay thế sách in trong tương lai
 

Tiềm năng sẵn có

Giống như thư điện tử (E-mail), sách điện tử (E-book) chỉ có thể đọc được qua máy vi tính hoặc máy trợ giúp kỹ thuật số cá nhân (palm, pocketpc, ipad…). Sách điện tử có những lợi thế mà sách in thông thường không có được: gọn nhẹ, có thể tinh chỉnh về cỡ chữ, màu sắc và các thao tác cá nhân hoá tuỳ theo sở thích của người đọc. Một đặc điểm nổi bật khác của sách điện tử chính là khả năng lưu trữ không giới hạn của nó. Vì thế, sách điện tử đang trở thành một trào lưu văn hoá đọc mới trên thế giới. Theo thống kê của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon (Mỹ) thì cứ 100 cuốn sách giấy bán ra thì có tương ứng 143 cuốn sách điện tử được người đọc tiếp cận. Sự bùng nổ của internet giúp cho sách điện tử ngày càng được nhiều người quan tâm. Tại Việt Nam, cộng đồng mạng cũng đã và đang bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt cho loại hình xuất bản mới mẻ này.

Cuối tháng 4 vừa qua, lần đầu tiên, hệ thống phân phối sách điện tử toàn cầu Alezaa đã chính thức có mặt tại Việt Nam với phiên bản Alpha. Ngay sau khi Alezaa góp mặt vào thị trường xuất bản Việt Nam, một số nhà xuất bản trong nước cũng rục rịch lên kế hoạch xuất bản sách điện tử. Theo bà Nguyễn Lệ Thủy (Công ty CP Sách Alpha) cho biết, hiện Alpha Books đang hợp tác cùng một số đơn vị như FPT, Viynapo, Vega, Vietgrid, FutureMedia… để chuyển đổi các bản sách đã xuất bản của công ty sách này sang dạng sách điện tử. Sắp tới, Alpha Books sẽ phân phối sách điện tử trên hệ thống websiteBizspace.vn. Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Thông tấn cũng đang tiến hành các bước thương thảo để giới thiệu một số cuốn sách ảnh về thiên nhiên đất nước con người Việt Nam trên internet. 

Nhập cuộc e dè
Theo đánh giá của Cục Xuất bản Việt Nam, trong bối cảnh xuất bản sách giấy có nhiều khó khăn như hiện nay, việc phát triển dòng sách điện tử là một hướng đi mới. Cùng với kênh phân phối rộng, nội dung đa đạng, cập nhật nhanh, đây thực sự là thị trường hấp dẫn và sẽ có những bước phát triển mạnh trong khoảng 5 năm tới tại Việt Nam. Tuy người tiêu dùng có thái độ khá tích cực, song vấn đề lớn nhất của thị trường xuất bản điện tử là bản quyền. Mỗi quyển sách thực chất chỉ là một tập tin không lớn, khi đã đến tay người mua, nhà xuất bản sẽ khó kiểm soát được việc người mua có chia sẻ với người khác hay không? Đã có nhiều nỗ lực được các NXB và nhà phân phối đưa ra như gắn thêm dữ liệu bản quyền ẩn vào sách, đánh dấu bản quyền điện tử… nhưng xem ra không khả thi. Tại một số diễn đàn, người dùng không chỉ chia sẻ sách mà còn hướng dẫn nhau cách xóa bỏ các dữ liệu bản quyền. Tương tự như tình trạng đang gặp phải của âm nhạc và phim thời gian trước, giờ đây các nhà xuất bản lại phải “chạy đua” cùng những người chia sẻ sách điện tử trong việc yêu cầu gỡ bỏ sách của mình khỏi các trang lưu trữ internet. Theo ông Lê Thanh Huy - GĐ Công ty Sách Bách Việt, bên cạnh những lo ngại về bản quyền, điều khiến các NXB tỏ ra thận trọng, chưa dám đầu tư vào thị trường tiềm năng này còn nằm ở những yếu tố khách quan khác như giải pháp về phần mềm, phương thức thanh toán và đặc biệt là thói quen của độc giả…, đây thực sự là những thách thức mà không phải NXB nào cũng đủ lực để vượt qua.  

Một trong những khó khăn khác mà các NXB đang vấp phải là tình trạng “đọc không mất tiền” hiện nay. Đặc biệt, trong thời đại số hóa này, việc tải về một bản dịch, một cuốn sách “miễn phí” thì vẫn dễ dàng và nhanh hơn nhiều so với việc chờ mua một cuốn sách điện tử. Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển dòng sách điện tử, song cho đến nay Alpha Books vẫn chưa có giải pháp triệt để nào để ngăn chặn tình trạng “đọc chùa”. Bà Nguyễn Lệ Thủy bày tỏ: “Trông chờ vào sự tự giác của độc giả bên cạnh đó là hy vọng các cơ quan chức năng xây dựng những quy định và những chế tài mạnh, nhằm đảm bảo quyền tác giả”. Còn theo ông Nguyễn Minh Nhựt - GĐ NXB Trẻ, giải pháp mà NXB Trẻ đưa ra là: Chống sách lậu bằng cách cạnh tranh. Trong thời gian tới, khi xuất bản sách điện tử, NXB Trẻ sẽ bán mỗi bản E-book với giá cực rẻ, chỉ 5.000 đến 10.000 đồng/bản, thậm chí bán 1.000 đồng/bản. Với mức giá đó, ông Nhựt hy vọng: “Sẽ chẳng có ai quan tâm đến E-book lậu nữa”.