Muốn con hay chữ phải “nặng tay”(?!)

ANTĐ - Lâu nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn quan niệm “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” do đó đã chạy marathon quà cáp cho thầy cô, với mong muốn con mình sẽ được “giơ cao, đánh khẽ”...

Các chiêu trò lấy lòng cô giáo

Vừa vào đầu năm học, một người bạn của tôi có con gái năm nay vào lớp 1 đã ấm ức tâm sự, trong khi cô giáo chưa kịp “gợi ý” chuyện học thêm thì một vài phụ huynh trong lớp đã “nịnh cô” bằng cách “xin” cô cho các cháu được học thêm bằng được. Vậy là, thay vì phản đối, những vị phụ huynh dù không có nguyện vọng nhưng buộc phải gật đầu đồng ý vì nếu không học thì con mình sẽ bị cô… để ý. Và dĩ nhiên, thể theo yêu cầu của các bậc phụ huynh, cô giáo không nỡ từ chối. Thế là những đứa trẻ dù mới chỉ mới vào lớp 1 đã lao đầu vào học thêm, chẳng còn thời gian để nghỉ ngơi, chơi đùa và bắt đầu cuộc chạy “show” mệt nhoài, đánh mất tuổi thơ lúc nào không biết…

Cũng có con vào lớp 1 năm học này, chị Nguyễn Quỳnh Loan, ở phường Đức Giang, quận Long Biên đã đầu tư cho con đọc thông viết thạo từ mùa hè, thậm chí thể nói được nhiều từ tiếng Anh trôi chảy. Tuy nhiên, dường như vẫn chưa yên tâm với khả năng của con mình, sau khi con chị được nhận lớp và biết mặt cô giáo chủ nhiệm, chị Loan đã lên kế hoạch lấy lòng cô hết khả năng có thể. Ngày nào đến trường chị Loan cũng cười cười, nói nói, thậm chí còn xem cô thiếu gì, cần gì để mua quà cho cô. Cuối cùng chị Loan đã quyết định tặng cô chiếc máy iPhone 5 mới cáu cạnh như một cách để cô giáo nâng đỡ con mình. 

“Chẳng bố mẹ nào yên tâm khi không trực tiếp ở cạnh con. Trẻ con thường hiếu động và hay lơ là việc học nên cứ làm “hài lòng” cô là cô xí xoá cho hết…”, chị Hoàng Ngọc Anh, nhân viên kế toán một công ty xây dựng chia sẻ. 

Song lẽ thường ai cũng muốn “ghi điểm” trong mắt cô nên phụ huynh nào cũng thi nhau tặng quà cho cô. Chính vì thế nhiều bậc phụ huynh đâm ra lo lắng liệu cô có chú ý đến con mình không và quà của mình có “đẳng cấp” hơn quà của các phụ huynh khác hay không? Và để tạo ấn tượng đặc biệt đối với cô giáo, không ít bậc phụ huynh đã nghĩ ra cách tăng tần suất tặng quà vì họ cho rằng tặng nhiều, tặng thường xuyên cô sẽ nhớ và vui hơn. Thế nên, thay vì cả năm chỉ “đi” cô vào các dịp đặc biệt mà phụ huynh nào cũng “bắt buộc” phải nhớ như 8-3, Trung thu,      20-10, 20-11, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nhiều phụ huynh còn nhớ cả ngày sinh nhật cô để tặng quà. Thậm chí những ngày lễ lớn như 30-4. 1-5, 2-9, Noel, ngày lễ Tình yêu cũng được các phụ huynh chăm sóc cô một cách chu đáo. 

Đầu độc tâm hồn trẻ

Không chạy đua theo xu hướng, một số phụ huynh cho rằng, họ đã đóng tiền cho con đi học, nên chẳng việc gì phải biếu xén thầy cô thêm nữa. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vì “lơ là” thầy cô mà con họ… bị bỏ rơi. Chị Mai Anh, ở phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa chia sẻ: “Năm học trước, cháu nhà tôi xin vào học lớp 1 ở một trường tư, học phí cao ngất ngưởng nên tôi đã “cắt” khoản quà cáp cho cô giáo. Con tôi vốn mắt kém nhưng cô giáo lại xếp cháu ngồi bàn cuối, nói thế nào cô cũng không chuyển chỗ, thế là tôi đành quà cáp cho cô để con được lên ngồi bàn một…”. Mặc dù không muốn nhưng theo chị Mai Anh số đông các phụ huynh đều thế nên chị không theo cũng không được.

Nhiều phụ huynh còn cho rằng, “chăm sóc” cô là chuyện đương nhiên. Với những gia đình có con em phát triển bình thường, thuộc diện sáng dạ thì việc quà cáp còn nhẹ nhàng, chứ với những phụ huynh có con biếng ăn, nghịch ngợm, quậy phá hoặc có xu hướng tự kỷ thì có khi phải chăm sóc cô thường xuyên hơn. Song điều đáng nói, nhiều trẻ ý thức được chuyện bố mẹ tặng quà cô giáo để được yêu quí hơn nên việc làm này chẳng khác nào đầu độc tâm hồn trẻ.

Ở lứa tuổi tiểu học, hầu hết các bé thường chưa có quan niệm rõ ràng về tiền bạc hay quà tặng. Do đó, các em hiểu việc tặng quà mang ý nghĩa thế nào sẽ phụ thuộc định hướng, mục đích của người lớn. Trong những ngày lễ như 8-3, 20-11, Tết Nguyên đán, nếu các bậc phụ huynh mua quà và nói với bé món quà đó thay cho sự biết ơn để gửi đến cô giáo, chắc chắn bé sẽ mang quà đến tặng cô với cả tấm lòng trong sáng của trẻ thơ. Song theo bà Lê Thị Tuý, chuyên gia tư vấn tâm lý - Trung tâm tuổi trẻ, hạnh phúc gia đình Việt Nam thì việc phụ huynh dùng quà tặng để “nịnh” cô giáo là một hiện tượng xã hội tiêu cực. Thậm chí, việc các bậc cha mẹ cho con đi học thêm, học trước chương trình của cô giáo với mong muốn con cái họ được đối xử ưu tiên hơn khi đi học sẽ tạo ra tiền lệ xấu.

Chính quan niệm này của người lớn đã khiến các em có suy nghĩ lệch lạc. Có thể nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ ngây thơ, không hiểu việc làm của bố mẹ. Tuy nhiên, trẻ ngày càng thông minh cùng sự tiếp xúc với xã hội qua người lớn, bạn bè, phim ảnh nên có thể đoán ra tất cả. Ngoài ra, cách ứng xử với tiền bạc của người lớn trong gia đình cũng có thể khiến trẻ phát sinh ý nghĩ có tiền là có tất cả. Dựa vào đó, trẻ mặc nhiên cho phép mình không cần học, không cần phấn đấu, quyết tâm. Suy nghĩ đó có thể theo trẻ đến suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến tính cách, hành vi ứng xử và tương lai. Do vậy, đừng để việc tặng quà cô giáo biến thành ấn tượng không đẹp trong con mắt trẻ thơ.