Muốn “cảm” sâu, phải đọc sách in

ANTĐ - Sách in trên giấy đang bị sách điện tử (ebook) cạnh tranh, đó là câu chuyện mang tính toàn cầu. Ở Việt Nam mấy năm qua, nhiều công ty sách điện tử đã ra đời, kéo theo đó, đã có một bộ phận độc giả ngả theo ebook vì sự gọn gàng, có thể đọc ở bất cứ nơi đâu. ANTĐ đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Phước (Giám đốc Công ty sách Trí Việt - First New).

Muốn “cảm” sâu, phải đọc sách in ảnh 1


- PV: Gần đây có thống kê chỉ ra rằng người Việt rất “lười” đọc sách, trung bình đọc không quá 1 cuốn sách/ năm. Ông có nghĩ rằng đất nước gần 100 triệu dân như Việt Nam lại “lười” đọc sách đến thế?

- Ông Nguyễn Văn Phước:  Tôi nghĩ rằng không ai có thể thống kê được một cách chính xác vấn đề này. Không thể lấy xác suất trên một ngàn người để nói cho cả nước được. Trong bất kỳ hoàn cảnh, giai đoạn nào của cuộc sống thì con người vẫn cần sách; vấn đề là cuốn sách đó phải như thế nào mới là điều quan trọng. Chính vì vậy, tôi cho rằng, văn hóa đọc vẫn còn đó. Nếu như chúng ta có những cuốn sách thực sự sâu sắc, khác biệt thì văn hóa đọc vẫn là hàng đầu. Vấn đề là chúng ta chưa tìm được cách để đưa văn hóa đọc lên thành một thói quen hàng ngày và chỉ ra rằng sự “trưởng thành nhờ những cuốn sách” cũng không kém gì đến trường.

- Nhưng độc giả ngày nay đã khác xưa rất nhiều, tức là giờ đây người ta không nhất thiết phải cầm cuốn sách mới là đọc, mà việc đọc có thể thông qua các thiết bị điện tử? 

- Tôi nghĩ, rõ ràng giữa sách in và sách điện tử có giá trị và độ cảm nhận, thẩm thấu khác nhau. Và những ai yêu văn hóa đọc mới hiểu được cảm giác đó. Việc đọc sách in, nó sâu sắc hơn nhiều so với tác phẩm trên ebook. Chúng ta tặng nhau một cuốn sách nhân sinh nhật, nhân ngày tốt nghiệp, chứ không ai tặng nhau một ebook cả. Thông tin mà ebook hay các trang mạng đăng tải độ sâu sắc về cảm nhận chỉ bằng 1/5 so với khi đọc một cuốn sách truyền thống. Người ta thường lướt web để tìm thông tin chứ không phải để thẩm thấu một giá trị. Theo tôi, nên có sự phân chia theo dòng sách, những sách dùng cho ebook hay các thiết bị chỉ nên để nắm thông tin. Còn đọc để cảm nhận thực sự về ý nghĩa của cuốn sách thì không có gì có thể thay thế được sách in cả. 

- Ở góc độ một người đọc sách bình thường, ông có thấy mình bị thay đổi thói quen kể từ khi có quá nhiều hình thức giải trí xuất hiện? 

- Tôi nghĩ rằng khi có nhiều hình thức giải trí như hiện nay thì người đọc có bị chi phối, nhưng không đáng kể, vì thời gian của mình do mình quyết định. Dĩ nhiên mình có thể say mê trong một khoảnh khắc nhưng rất nhanh sau đó mình cũng phải tìm về với những giá trị thật của nó. 

- Ông có đề xuất hay ý tưởng gì để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ hơn nữa?

- Tôi nghĩ rằng nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ. Hiện tại những đầu sách hay ở Việt Nam đa số đều do những nhà xuất bản, cá nhân tự bỏ tiền ra làm. Nên có những chính sách khuyến khích văn hóa đọc và định hướng văn hóa đọc để những vùng sâu vùng xa, những vùng nghèo cũng có sách đọc. Và nên chọn sách hay và có giá trị, không nên mua những sách kém chất lượng nhưng được giảm giá nhiều để tránh tình trạng “người đọc không mua mà người mua không đọc”. Có lần, sang Thái Lan, khi vào một hiệu sách tôi rất bất ngờ khi thấy một quyển sách có dòng chữ của Thủ tướng Thái Lan, đại ý: “Tôi đã tìm ra cuốn sách này có giá trị - và tôi khuyến khích mọi người cùng đọc”. Còn ở Hàn Quốc, cuốn “Không bao giờ thất bại, tất cả là thử thách” (mà chúng tôi đã mua bản quyền và xuất bản ở Việt Nam) cũng được Tổng thống kêu gọi toàn dân Hàn Quốc đọc. Bên cạnh đó, họ cũng có những chủ trương định hướng đọc cho người dân với những cuộc thi về chính chủ đề của cuốn sách để không chỉ phát triển dân trí, văn hóa mà còn cả tinh thần cộng đồng. Chúng ta đã dành quá nhiều cho các lĩnh vực thời trang, phim ảnh, ca nhạc nhưng lại ít, nếu không muốn nói là không có các chính sách thực sự dành cho văn hóa đọc, để các công ty xuất bản tự xoay xở chật vật… Có lẽ mọi người chưa nhận ra “Không thầy đố mày làm nên và không sách đố bạn trưởng thành”.   

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!