Muốn biết cách cứu người, chữa cháy trong hỏa hoạn thì phải học

ANTD.VN - Trước yêu cầu đặt ra đối với người phụ trách an toàn PCCC tại các cơ sở, công ty, đơn vị về nhiệm vụ phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ xảy ra, Cảnh sát PCCC số 2 đã thường xuyên tổ chức tập huấn để lực lượng này nâng cao kỹ năng cứu nạn, chữa cháy kịp thời khi xảy ra hỏa hoạn.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 thuộc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết: “Để đảm bảo an toàn PCCC trong mùa hanh khô và Tết Nguyên đán 2018, nhằm nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về PCCC cũng như kỹ năng cứu nạn, chữa cháy, đơn vị đã tập huấn cho trên 100 lãnh đạo, người phụ trách công tác PCCC cơ sở kinh doanh, in, photocopy, nhà sách tại địa bàn các quận Đống Đa và Ba Đình”.

 Đại tá Nguyễn Trường Sơn trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng bình chữa cháy và cách chữa cháy hiệu quả

Nắm được đặc thù địa bàn có đông dân cư, cơ sở kinh doanh kết hợp với nhà ở, nhà xưởng, nơi sản xuất… Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã chủ động lên kế hoạch cụ thể, chi tiết theo từng chuyên đề tập huấn, đề tài, nội dung tuyên truyền nâng cao kỹ năng có những người đứng đầu cơ sở.

Theo đó, tại buổi tập huấn, các học viên được cán bộ của Phòng Cảnh sát PCCC số 2 trao đổi, hướng dẫn các phương pháp thoát nạn, cứu hộ chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; Đồng thời hướng dẫn cách sử dụng bảo quản phương tiện PCCC được trang bị tại cơ sở.

Khái quát tình hình cháy nổ xảy ra trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua có nhiều vụ gây thiệt hại về người và tài sản do nhiều hộ dân làm lồng sắt bịt lối thoát nạn, Cảnh sát PCCC số 2 đã hướng dẫn các học viên phương pháp thoát nạn dạng nhà ống, nhà có lồng sắt và cắt cắt phá lồng sắt cũng như cách sử dụng dụng cụ phá dỡ, cứu hộ - cứu nạn trang bị tại cơ sở, đơn vị.

Cảnh sát PCCC  số 2 hướng dẫn người đứng đầu cơ sở cách chữa cháy hiệu quả

Cũng trong buổi tập huấn, các học viên đã được hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy xách tay trong tình huống giả định rò rỉ khí ga và sử dụng những vật dụng cá nhân để thoát hiểm, đối phó với khói, khí độc.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Để mỗi người dân, chủ cơ sở kinh doanh, cơ quan, đơn vị luôn có ý thức về an toàn PCCC thì cần phải thường xuyên tuyên truyền về PCCC. Do đó, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý đơn vị có kế hoạch cụ thể về các chuyên đề an toàn cháy nổ gas, điện, các thiết bị từ điện... để tuyên truyền lần lượt từ các đơn vị, cơ sở kinh doanh đến tận khu dân cư. Thông qua các buổi tuyên truyền, lãnh đạo, người phụ trách công tác PCCC cơ sở kinh doanh, nhà hàng... nâng cao nhận thức, kiến thức về PCCC và cứu nạn - cứu hộ trong hoạt động thường ngày tại cơ sở, đồng thời đây cũng là cách để cho người dân hiểu rõ và có ý thức hơn với nhiệm vụ an toàn PCCC”.