Hát Xoan trở thành Di sản của nhân loại:

Mừng vinh danh, lo bảo tồn

ANTĐ - Cùng với Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ… thêm một di sản nữa của Việt Nam là hát Xoan đã được ghi tên vào danh sách Di sản phi vật thể của nhân loại. Được công nhận và tôn vinh, đó là niềm vui, sự tự hào, nhưng hát Xoan đồng thời phải đối mặt với những thách thức trong việc bảo tồn… Một công việc cho đến nay vẫn chưa hết gian nan.

Các nhà nghiên cứu quốc tế bị cuốn hút ngay từ lần đầu xem hát Xoan


Đơn sơ mà độc đáo

Trước khi hồ sơ Di sản hát Xoan được xây dựng, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều luồng dư luận tỏ ra ái ngại vì hát Xoan có vẻ không mấy đặc sắc, cũng không có mấy người biết cụ thể hát Xoan là thế nào. Từ đó ngờ rằng, di sản này còn mặt nọ mặt kia chưa thật xứng đáng. Nhưng khi tìm hiểu kỹ càng, mới “vỡ” ra rằng, di sản có những nét độc đáo, quyến rũ riêng. Có rất nhiều truyền thuyết và sự tích minh chứng rằng, nghệ thuật hát Xoan có từ thời Vua Hùng. Phong tục, lề lối, nghi thức, trang phục, ngôn ngữ âm nhạc, lời thơ và cả điệu múa đều cổ. Lối hát thờ của hát Xoan dường như không có bóng dáng của nghệ thuật phát triển cao mà chỉ gần gũi với thanh điệu nói. Nói như ngâm mà thôi. Múa cũng đơn sơ, nhưng sự hấp dẫn nằm ở chính cái nét đơn sơ đó. Chính vì điều này mà hát Xoan đã khiến không ít các nhà nghiên cứu quốc tế bị cuốn hút khi lần đầu xem hát. Cũng bởi vì thế, khi được trình tại Hội nghị Ủy ban liên Chính phủ  họp tại Bali, Indonesia, hồ sơ hát Xoan là hồ sơ duy nhất được sự đồng thuận hoàn toàn của Ban Thẩm định - Điều này không phải di sản nào cũng có được.

Nhận thức giá trị, cùng nhau giữ gìn

Theo thống kê, nghệ nhân hát Xoan trên 70 tuổi hiện có 69 người. Nhưng trong số 31 nghệ nhân từng biểu diễn hát Xoan trước năm 1945, giờ chỉ còn 8 người có thể nhớ và có khả năng truyền dạy cho cộng đồng. Bên cạnh đó, môi trường diễn xướng của hát Xoan cũng đang bị thu hẹp lại. 30 cửa đền, đình xưa từng đón các nghệ nhân hát Xoan đến biểu diễn giờ chỉ còn 13. Sự lan tỏa, sức sống của hát Xoan trước đây từng đến với 18 xã thì hiện chỉ còn 4 phường Xoan cổ và hai CLB hát Xoan mới thành lập biểu diễn chủ yếu trong 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu... Tiến sĩ Lê Văn Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam cho biết, điều quan trọng nhất khi nghiên cứu, xây dựng hồ sơ về một di sản không phải là được thế giới tôn vinh mà là để cộng đồng chúng ta nhận thức được giá trị của di sản để cùng nhau gìn giữ vốn quý cha ông để lại.

Việc UNESCO tôn vinh - chính là hành động khẳng định chân giá trị của di sản hát Xoan, từ đó kêu gọi cả cộng đồng chung tay gìn giữ. Để bảo tồn một cách bền vững, Viện Âm nhạc đã cùng UBND tỉnh Phú Thọ và Bộ VH-TT&DL xây dựng kế hoạch thu thập, sưu tầm, ghi âm lại toàn bộ bài bản cổ hiện còn trong lưu giữ trong trí nhớ 8 nghệ nhân cao niên từng biểu diễn trước 1945 và hiện còn khả năng biểu diễn, truyền dạy. Từ đó làm dữ liệu cơ sở để truyền dạy, lan tỏa cho các nghệ nhân trẻ trong bốn phường Xoan cổ và hai CLB hát Xoan hiện có. Ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, Ngoài việc sưu tầm và truyền dạy, trong thời gian tới, sẽ có chủ trương truyền dạy hát Xoan trên sóng đài phát thanh-truyền hình. Tỉnh cũng đã tiến hành thử nghiệm việc dạy và học hát Xoan tại một số trường trung học cơ sở trên địa bàn. 

Không ít những nhà nghiên cứu, những người yêu di sản đều có cảm xúc đặc biệt khi nhận được tin UNESCO công nhận hát Xoan là Di sản phi vật thể thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Đó là cảm xúc vừa mừng vừa lo; mừng vì đất nước mình lại có thêm một di sản được vinh danh, nhưng nỗi lo là làm sao để trong thời gian tới chúng ta bảo tồn di sản cho thật tốt. Di sản được công nhận, điều đó đồng nghĩa với thu hút du lịch. Nếu không được triển khai bài bản và đúng cách, thì rất dễ dẫn đến biến tấu và sai lệch.