Mừng nhưng chưa hết lo

ANTD.VN - Số lượng doanh nghiệp mới thành lập với số vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng tăng so với cùng kỳ năm 2016 là một tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá ấn tượng chứng tỏ sức sống của doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, quy mô vốn đang thay đổi theo chiều hướng tích cực. Bức tranh kinh tế ngày càng khởi sắc, song bên cạnh gam màu tươi sáng vẫn còn một số mảng xám đáng lo ngại - đó là tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động, thậm chí phá sản cũng gia tăng.

Trong 10 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt 105.125 doanh nghiệp, gần bằng mức kỷ lục của cả năm 2016. Một điều đáng quan tâm là, 110.000 doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 chỉ có số vốn đăng ký 891.094 tỷ đồng, thì số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng qua có số vốn đăng ký lên tới 1.021.920 tỷ đồng.

Thật là những con số đầy phấn chấn, nhất là số doanh nghiệp “khai sinh” bước chân vào thị trường chủ yếu ở những ngành nghề như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; tiếp đó là công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng.

Tuy nhiên, đằng sau những doanh nghiệp mới “chào đời” này là hàng nghìn doanh nghiệp lặng lẽ đóng cửa “khai tử” không kèn, không trống. Theo nhận định của một số chuyên gia, tỷ lệ “sinh - tử” của doanh nghiệp gần như không chênh lệch quá lớn, thậm chí cứ 4 “sinh” thì có 3 “tử”. Hiện tượng này cũng là quy luật tất yếu của thị trường trong cuộc cạnh tranh khốc liệt mất - còn. 

Sự sàng lọc, đào thải là điều hiển nhiên, phải chấp nhận. Điều đáng lo ngại là hệ lụy, hậu quả mà các doanh nghiệp bị xóa sổ trên thị trường để lại không chỉ đối với người lao động mà nặng nề nhất là tình trạng thất thu nguồn thuế cho ngân sách. Nợ đọng thuế, trốn thuế là thực trạng đã diễn ra nhiều năm nay, song đáng báo động là không ít doanh nghiệp “ma” biến mất không để lại... dấu vết gì.

Câu hỏi được đặt ra là phải chăng việc cấp phép đăng ký kinh doanh quá thoải mái, “thông thoáng” đến mức khi cơ quan chức năng tìm đến địa chỉ thì mới “ngã ngửa” vì doanh nghiệp, công ty, cửa hàng chưa hề từng tồn tại. Không hiếm trường hợp tên, địa chỉ doanh nghiệp đều là “ảo” để lừa đảo. Rõ ràng, sự lỏng lẻo, buông lỏng quản lý là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước từ A đến Z, đặc biệt là khâu hậu kiểm. Việc quy trách nhiệm vốn đã khó, nhưng khó hơn cả là việc truy thu nguồn thuế, thất thoát không nhỏ ngân sách Nhà nước.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới chứng tỏ “sức khỏe” của nền kinh tế ngày càng vững mạnh, đáng phấn khởi. Tuy nhiên, những “lỗ hổng” mà doanh nghiệp “chết yểu” để lại cũng thật đáng lo ngại, cần phải có giải pháp cấp bách.