Mục tiêu về an toàn thực phẩm khó đạt vì… thiếu vốn

ANTĐ - Hiện đã là năm cuối cùng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) giai đoạn 2012-2015, song các mục tiêu mà chương trình đặt ra đang đạt thấp, rất khó để hoàn thành được vì bài toán... thiếu vốn. 

Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) giai đoạn 2012 – 2015 đặt mục tiêu đến hết năm 2015 phải giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (30 người ngộ độc trở lên) so với năm 2010; số người mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính/100.000 dân trong các vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ hơn hoặc bằng 8; 100% các tỉnh, thành phố có mô hình chợ bảo đảm VSATTP…

Tuy nhiên, hiện đã là năm cuối cùng của giai đoạn 2012-2015 song những mục tiêu nói trên vẫn đang gặp khó trong việc hoàn thành. Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng trên là do nguồn kinh phí phân bổ đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP rất hạn chế, chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu.

Đến cuối năm nay khó hoàn thành các mục tiêu về ATTP giai đoạn 2012-2015 (ảnh minh họa)

Cụ thể, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP giai đoạn 2012 – 2015 sẽ được thực hiện trên cả nước, gồm 6 dự án với tổng nguồn vốn thực hiện là 4.139 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương 1.949 tỷ đồng, chiếm 47%; Ngân sách địa phương 1.320 tỷ đồng, chiếm 32%; Viện trợ quốc tế 430 tỷ đồng, chiếm 10%; Các nguồn vốn hợp pháp khác 440 tỷ đồng, chiếm 11%.

Cục ATTP cho biết, hiện tại dù bước sang năm cuối cùng của chương trình nhưng tính cả năm 2011 đến 2015, tổng nguồn vốn đầu tư mới là 1.224,8 tỷ đồng, chỉ bằng 29,6% so với tổng mức vốn được phê duyệt, trong đó vốn đầu tư là 94 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 1.130,8 tỷ đồng. Rõ ràng con số huy động thực tế với con số dự định huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP giai đoạn 2012 – 2015 quá chênh lệch.

Khó khăn về nguồn vốn khiến cơ quan quản lý ở đây là Bộ Y tế và Cục ATTP gặp khó trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về ATTP trong giai đoạn 2012 – 2015. Trong 6 dự án thuộc Chương trình, riêng dự án 1 đặt ra mục tiêu 80% các Chi cục ATVSTP được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp các trang thiết bị thiết yếu; trên 85% lượt cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra VSATTP từ Trung ương đến địa phương được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và năng lực quản lý; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về vệ sinh ATTP…

Nguồn vốn thực hiện dự án 1 là 1.025 tỷ đồng (xấp xỉ bằng tổng số vốn huy động được đến thời điểm này). Trong khi đó, số vốn huy động được phải dàn trải trong 6 dự án với rất nhiều mục tiêu khác nhau.

Riêng vấn đề quản lý ATTP cấp xã, phường cho thấy những bất cập. Theo đó, cán bộ quản lý về VSATTP tại các xã phường hầu như 100% là kiêm nhiệm; đa số không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu, thiếu dụng cụ phân tích, kiểm nghiệm… Cục ATTP nhấn mạnh, để khắc phục thì vấn đề trang bị thiết bị, dụng cụ nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ là rất quan trọng. Tuy nhiên muốn làm được việc này cũng phải có nguồn vốn.