Mục tiêu tăng trưởng phải vừa thực lực

ANTD.VN - Ngày 2-11, Quốc hội dành toàn bộ thời gian thảo luận tại hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Không nên đặt mục tiêu cao quá 

Phát biểu tại hội trường, ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đều có điểm chung là rất tham vọng.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế vĩ mô, bởi nó đòi hỏi quá nhiều nguồn lực, buộc các chính sách tài chính và tiền tệ phải nới lỏng quá mức, gây ra những hệ lụy như lạm phát, nợ công và nợ xấu… mà đến nay chưa giải quyết xong. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra những mục tiêu phù hợp hơn với thực lực.

Góp ý về quy hoạch phát triển vùng, ĐB Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) kiến nghị. Nhà nước phải là chủ thể thực hiện quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước, không nên để mỗi địa phương tự quy hoạch dễ dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”, quy hoạch dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, gây thất thoát lãng phí.

Lấy dẫn chứng ngay tại địa phương, do đánh giá không đầy đủ và thiếu thận trọng nên dự án Cụm Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol (huyện Tam Nông, Phú Thọ) được khởi công từ năm 2008, dự kiến đi vào hoạt động năm 2010 với tổng mức đầu tư qua 4 lần điều chỉnh lên tới trên 2.400 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa hoàn thành và nguy cơ phá sản cao, ĐB Cao Đình Thưởng đề nghị: “Việc quy hoạch và phê duyệt đầu tư cần cân nhắc thận trọng, phù hợp từng vùng, tạo động lực thúc đẩy cho nền kinh tế”.

Người nông dân đang lúng túng

Đề cập về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ĐB Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, đây là vấn đề lớn liên quan tới đời sống hơn 50% dân số cả nước. Các chính sách khuyến khích về nông nghiệp, đầu tư nông thôn chưa đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp, nên chủ trương dù đúng, áp dụng nhiều năm nhưng thực tế số doanh nghiệp đầu tư còn rất hạn chế. 

Bên cạnh đó, việc định hướng phát triển các sản phẩm chủ yếu cho nông nghiệp để xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đang bị bỏ ngỏ. Theo ĐB Lưu Thành Công, công tác quy hoạch còn chậm, chưa xác thực khiến người nông dân lúng túng và xảy ra mâu thuẫn về lợi ích trong quá trình sản xuất. 

ĐB Lưu Thành Công dẫn chứng: “Trong cùng một vùng, những người nông dân có điều kiện thì nuôi tôm, người không điều kiện thì trồng lúa. Người nuôi tôm thì đưa nước mặn vào ruộng làm lúa chết, người trồng lúa thì sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu làm tôm chết. Mâu thuẫn lẫn nhau làm thiệt hại tài sản, tính mạng, mất tình làng nghĩa xóm”.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu khắc phục đầu tư công cho nông nghiệp, sửa ngay những chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, chưa mang lại lợi ích cho người nông dân, chưa thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển, bố trí nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp phù hợp với chiến lược tái cơ cấu, hiện đại hóa nền nông nghiệp, sửa đổi các cơ chế, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư hướng vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế.

Cử tri muốn minh bạch trong kiểm soát Formosa

Phát biểu tại hội trường, ĐB Trần Công Thuật (Trưởng đoàn Quảng Bình) đánh giá hành vi xả thải của Formosa là vi phạm pháp luật. 

“Cử tri và nhân dân muốn biết nếu nhà máy xả thải lỏng thì kiểm soát thế nào, nếu chất thải rắn thì xử lý thế nào, chôn lấp ở đâu, tất cả phải rõ ràng, có cơ sở khoa học. Cử tri mong muốn nếu chưa làm rõ vấn đề, chưa khắc phục được hậu quả thì cần kiên quyết chưa cho Formosa hoạt động trở lại”, ĐB Trần Công Thuật nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong nông nghiệp

Mục tiêu tăng trưởng phải vừa thực lực ảnh 2


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sau 3 năm tái cơ cấu, nền nông nghiệp nước ta còn tồn tại một số bất cập: Sức sản xuất lớn nhưng chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, công nghệ không cao, nên rất khó kiểm soát an toàn thực phẩm; Chuỗi sản phẩm tạo ra chủ yếu là sản phẩm thô nên giá trị khá thấp; Thị trường thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro (chất lượng, chế biến…); Nhân tố hạt nhân trong tổ chức sản xuất hàng hóa lớn còn hạn chế (doanh nghiệp, hợp tác xã).

Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới cần xác định rõ nhóm sản phẩm lợi thế cấp quốc gia, nhóm sản phẩm có quy mô đặc thù cấp tỉnh, nhóm sản phẩm có quy mô địa phương. Bên cạnh đó cần tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, trong đó nút thắt đầu tiên là vấn đề tích tụ ruộng đất để tập trung phát triển sản xuất, nút thắt thứ hai là chính sách.

“Theo tôi cần thay đổi phương thức đầu tư bằng cách đầu tư thẳng cho các tỉnh, thành phố để tăng tính chủ động của họ. Có vậy mới giải quyết được căn cốt việc tái cơ cấu nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị.

Huệ Anh

Môi trường phải nằm trong chiến lược đầu tư

Mục tiêu tăng trưởng phải vừa thực lực ảnh 3

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, trước đây, môi trường đi sau phát triển nhưng nay môi trường phải đi trước, đi ngay vào quá trình phát triển, môi trường phải nằm ngay trong chiến lược quy hoạch, các dự án đầu tư.

Sau các sự cố, Chính phủ đã làm rất nhiều việc, rà soát lại toàn bộ nguồn thải. Hiện Bộ đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đến các ngành xả thải nhiều như các ngành khai thác khoáng sản, hóa chất... 

Huệ Linh

“Chức danh Phó Công an xã sẽ được chuyên trách hóa”

Mục tiêu tăng trưởng phải vừa thực lực ảnh 4

Chiều 2-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã giải trình một số vấn đề các ĐBQH quan tâm, trong đó có vấn đề chuyên trách hóa chức danh Phó Công an xã. Theo quy định hiện nay, hai chức danh Phó Công an xã và Văn phòng cấp ủy hoạt động theo hình thức không chuyên trách và nếu không tăng thêm biên chế thì cho chuyên trách. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: “Chúng tôi đã có đề án, hiện đang cùng Ban tổ chức Trung ương bàn về một số vấn đề tổ chức hoạt động và chính sách tiền lương đối với cán bộ cấp xã và cán bộ không chuyên trách, thời gian tới sẽ giải quyết trước vấn đề này. Còn về lâu dài, sẽ sửa đổi Luật Cán bộ công chức năm 2008”.

Băng Tâm