Mục tiêu lớn nhất là chống lấn chiếm, giữ vệ sinh môi trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Có thể có cách hiểu chưa đúng, nhưng chúng tôi khẳng định chủ trương và cách thức đang làm ở khu vực đất bãi sông Hồng, là để chống lấn chiếm, ngăn ngừa tình trạng đổ rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường”, lãnh đạo phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội nêu rõ.

Thời gian qua, khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc các phường Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối (thuộc quận Long Biên) nói riêng, thường “nóng” tình trạng đổ trộm đất trạc, phế thải và các loại rác thải. Khi bị chính quyền cơ sở lập barie hay cử người cắm chốt trực ở cửa khẩu, các phương tiện, đối tượng đổ trộm sẽ tìm cách di chuyển qua các tuyến đường liên thông giữa các phường, chọn nơi khuất nẻo để đổ bậy trong chớp mắt rồi chuồn.

Người dân tham gia thu gom rác thải ở khu vực bãi giữa, phường Long Biên

Bà Ngô Thị Tiền – Bí thư chi bộ 1 khu Thạch Cầu, phường Long Biên bức xúc: “Chúng tôi chứng kiến nhiều tổ, chốt của phường ứng trực hàng đêm, nhưng cứ sơ sểnh, sáng ra đã chình ình đống đất trạc, thậm chí cả rác giữa đường. Nguy cơ ô nhiễm môi trường hiện hữu khiến người dân rất lo”.

Đồng tâm trạng với bà Tiền, ông Đinh Văn Tòng (trú ở khu Tư Đình, Long Biên) phản ánh: “Khu đất bãi thoáng đãng là thế, lý tưởng để tập thể dục thể thao, nhưng có thời điểm, có vị trí người dân không dám đi qua, vì ô nhiễm quá. Nếu không có sự kiểm soát chặt, tôi e người ta sẽ biến nơi đây thành...bãi rác”.

Đem câu chuyện của các cán bộ cơ sở hỏi ông Nguyễn Đức Hùng – Chủ tịch UBND phường Long Biên, chúng tôi nghe chia sẻ thẳng thắn: “Thực trạng ấy chính quyền cơ sở biết, hết sức đồng cảm với người dân, nhưng quả tình để có giải pháp căn cơ không hề đơn giản. Phường đã và đang thí điểm một phương án...”.

Mô hình thí điểm mà Chủ tịch Hùng đề cập, là việc thỏa thuận cho cá nhân tự nguyện đứng ra nhận quản lý giúp UBND phường chống lấn chiếm, chống đổ rác thải, giữ vệ sinh môi trường. “Tất nhiên, cá nhân đó phải có năng lực, có uy tín; và khi được chọn giao làm, phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc những yêu cầu mà chính quyền cơ sở đề ra”, Chủ tịch Nguyễn Đức Hùng nêu rõ.

Hiểu một cách đơn giản, mô hình phối hợp giữa chính quyền cơ sở và người dân ở đây, là tại vị trí nhất định trên vùng đất bãi, phường sẽ giao cho cá nhân, tổ chức nào đó chịu trách nhiệm thu gom rách thải, ngăn chặn tình trạng đổ phế thải, và đảm bảo giữ sạch môi trường. Bù lại, cá nhân, tổ chức đó được tạo điều kiện trồng cây ngắn ngày, trồng hoa, cây cảnh...để đem lại nguồn thu. Quá trình trông coi và trồng cây, rau, nếu cá nhân, tổ chức bị phát hiện vi phạm về trật tự xây dựng, để xảy ra tình trạng đổ rác, sẽ lập tức phải dừng mọi hoạt động.

Cỡ hơn 3 tháng, mô hình “khoán quản” này được phường Long Biên áp dụng; và chuyển biến bước đầu về vệ sinh môi trường là điều trông thấy rõ. Chủ tịch Nguyễn Đức Hùng cho biết, cùng với việc giám sát việc thực hiện những yêu cầu – quy định đề ra đối với người được giao thu gom rác thải, chống đổ trộm phế thải, phường đang và sẽ tăng cường nắm bắt các “kênh” thông tin để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những hành vi, dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực đất bãi. “Quan điểm của phường là phải giữ sạch môi trường, giữ nghiêm kỷ cương trật tự xây dựng, và xử lý kiên quyết mọi hành vi vi phạm pháp luật ở khu đất bãi sông Hồng nói riêng, ông Hùng quả quyết.