Mục tiêu kép khi Nga tham chiến tại Syria

ANTĐ - Chiến dịch không kích của Nga nhằm vào một số mục tiêu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria đã bắt đầu, chính thức đánh dấu sự can thiệp mạnh mẽ của Mátxcơva vào cuộc chiến chống khủng bố ở đất nước Trung Đông này.
Mục tiêu kép khi Nga tham chiến tại Syria ảnh 1

Máy bay cường kích SU 34 được cho là đã tham gia các cuộc không kích ở Syria

Đây là cuộc can thiệp quân sự lớn nhất của Nga tại Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua. Những thông tin phát đi từ vùng chiến sự cho thấy, tham gia không kích có cả loại máy bay cường kích chiến trường Su-34 hiện đại nhất của Nga. Loại máy bay này Nga chưa xuất khẩu và hiện chỉ trang bị cho quân đội Nga, cho thấy Mátxcơva quyết tạo bước ngoặt trong cuộc chiến hiện nay ở Syria. 

Nước Nga quyết định can dự bởi bất chấp nỗ lực chống IS của liên minh quốc tế, cuộc chiến chống khủng bố ở Syria vẫn bế tắc. Hệ quả của nó càng làm cho cuộc nội chiến ở Syria, vốn kéo dài hơn 4 năm qua, thêm tồi tệ. Tính đến nay, hơn 240 nghìn người Syria đã thiệt mạng, hàng triệu người phải di tản, tràn sang cả châu Âu khiến thế giới hết sức lo ngại.

Trái với quan điểm của Mỹ và phương Tây, những người đang vừa chống IS vừa tìm cách lật đổ Tổng thống al-Assad, Nga công khai ủng hộ ông al-Assad và cho rằng Chính phủ Syria phải là trung tâm nỗ lực quốc tế chống IS. Nga đã từng nhiều lần thảo luận với phía Mỹ và phương Tây về giải pháp cho cuộc nội chiến Syria cũng như cuộc chiến chống lại sự bành trướng của phiến quân IS, song không nhận được sự hợp tác.

Tất nhiên Nga không thể ngồi yên để Mỹ và phương Tây thực hiện mục tiêu lật đổ ông  al-Assad thông qua lực lượng đối lập. Hiện nay, Syria chẳng khác nào bãi chiến trường với sự cát cứ của nhiều phe phái. Lợi dụng tình hình bất ổn, IS nhanh chóng chiếm nhiều phần lãnh thổ ở miền Bắc và Đông Syria với tổng diện tích lên tới 95.000 km2, tương đương hơn nửa diện tích Syria. Phe nổi dậy chống chính phủ kiểm soát một phần phía nam và tỉnh Idlib. Phiến quân thân al-Qaeda chiếm một phần tỉnh Idlib. Còn chính quyền của Tổng thống al-Assad kiểm soát phần lãnh thổ phía tây, bao gồm Thủ đô Damascus, tương đương khoảng 35% diện tích Syria.

Sự hậu thuẫn của Nga với chính quyền trung ương Syria xuất phát từ lợi ích chiến lược của Mátxcơva tại Trung Đông. Hiện nay, ngoài Iran, Syria là đồng minh duy nhất của     Mátxcơva và cũng là nước duy nhất mà Nga có căn cứ quân sự ở khu vực. Vào thời điểm hiện tại, căn cứ quân sự Tartus của Nga tại Syria mới chỉ đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, song vẫn là một cơ sở chiến lược để các hạm đội của Nga dùng làm “bàn đạp” tiến ra Địa Trung Hải.

Nếu chính quyền của ông   al-Assad sụp đổ, Nga sẽ bị đánh bật khỏi quân cảng này và đương nhiên là hạm đội Nga sẽ mất chỗ đứng chân duy nhất trong khu vực. Một khi đã mất chỗ đứng chân cuối cùng, liệu đến bao giờ Mátxcơva mới lại khôi phục được địa vị của mình ở Trung Đông? Bởi thế, Tartus được cho là một căn cứ có ý nghĩa biểu tượng đối với Mátxcơva, buộc Nga bằng mọi giá phải duy trì sự hiện diện.

Điều đó giải thích tại sao bên cạnh việc khẳng định mục đích của các hoạt động quân sự của Nga tại Syria là nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố quốc tế, Tổng thống Nga V. Putin không ngần ngại tuyên bố mục tiêu bảo vệ chính quyền của người đồng minh thân cận là Tổng thống al-Assad. Mục tiêu kép này sẽ chi phối hành động quân sự của Nga trong tương lai ở Syria.