Mục tiêu đầy tham vọng của thế giới khi cạn dần thời gian về biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong 2 ngày 22 và 23-4-2021, Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến, với sự tham dự của 40 nhà lãnh đạo trên thế giới. Hội nghị này được kỳ vọng sẽ dẫn đến các cam kết mạnh mẽ hơn trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
Các cường quốc cam kết mạnh mẽ hơn trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn thế giới

Các cường quốc cam kết mạnh mẽ hơn trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn thế giới

Thế giới đã cạn dần thời gian?

Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mang tên “Tình trạng khí hậu toàn cầu năm 2020” vừa được công bố, năm 2020 là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận, trong khi lượng khí thải nhà kính vẫn tăng bất chấp đại dịch Covid-19 làm suy giảm các hoạt động kinh tế.

“2020 là một năm thời tiết và khí hậu khắc nghiệt, bị thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra, tác động đến cuộc sống, phá hủy sinh kế và buộc nhiều triệu người phải rời bỏ nhà cửa” - báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) nêu rõ. Trước tình hình đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi: “Năm 2021 phải là năm hành động. Các quốc gia cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050... Thời gian đang cạn dần để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chúng ta cần làm nhiều hơn và nhanh hơn, ngay từ bây giờ”. Lời kêu gọi như một hồi chuông gióng lên từ Liên hợp quốc được đưa ra ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì trong 2 ngày 22 và 23-4 dưới hình thức trực tuyến, với sự tham dự của 40 nhà lãnh đạo trên thế giới. Hội nghị này được kỳ vọng sẽ dẫn đến các cam kết mạnh mẽ hơn về khí hậu trên hành tinh.

Cam kết mạnh mẽ của các cường quốc

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng biến đổi khí hậu được xác định là một vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ và nước này sẽ đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

“Nếu Mỹ thành công trong việc dẫn đầu thế giới giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, thì sẽ tận dụng được cơ hội lớn nhất để tạo ra những việc làm có chất lượng cho các thế hệ. Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội công bằng hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn; chúng ta sẽ bảo vệ hành tinh tươi đẹp này” - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định. Cũng tại Hội nghị trên, dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố mục tiêu tham vọng hơn của nước Mỹ về giảm lượng khí thải CO2 cho đến năm 2030.

Trong khi đó, Vương quốc Anh cho biết trong tuần này, sẽ công bố cam kết cắt giảm 78% lượng khí thải vào năm 2035 trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland vào cuối năm nay. Đây là một bước tiến tham vọng hơn của Anh so với mục tiêu trước đó của nước này là giảm 68% lượng khí thải vào năm 2030, vốn dĩ đã là một trong những kế hoạch tham vọng nhất trong số các nền kinh tế phát triển.

Theo báo cáo của Ủy ban Biến đổi Khí hậu, nhóm cố vấn độc lập của Chính phủ Anh, để đạt được mục tiêu mới, Anh sẽ phải thay đổi đối với hầu hết các hoạt động công nghiệp, như chuyển đổi sang hệ thống điện hoạt động mà không tạo ra khí thải carbon, giảm tiêu thụ thịt và sữa, thay thế hệ thống sưởi carbon thấp trong gia đình, và trồng nhiều cây xanh hơn. Được biết, Anh là một trong những nền kinh tế lớn đầu tiên đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện Anh đang nỗ lực vận động các quốc gia khác thông qua các mục tiêu khí hậu tham vọng hơn trước hội nghị COP26.

Trung tuần tháng 4 này, Trung Quốc - một trong những nước dẫn đầu về lượng khí thải CO2 trên toàn cầu - cũng đã nhất trí hợp tác với Mỹ nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu, bất chấp những căng thẳng trong quan hệ gần đây giữa hai nước. Đây là mối hợp tác được ghi nhận rất có ý nghĩa quan trọng đối với những nỗ lực toàn cầu trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in xác nhận sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì cũng được kỳ vọng là cơ hội để Hàn Quốc và Mỹ củng cố quan hệ đối tác về vấn đề khí hậu và củng cố vị thế của Seoul như một quốc gia đi đầu trong chiến dịch quốc tế giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Mục tiêu tham vọng của Mỹ

Thực tế, sự kiện đặc biệt này không chỉ đánh dấu sự trở lại của Mỹ trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, mà còn là cơ hội để Mỹ lấy lại vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu. Đây cũng là một cơ hội để Mỹ tái gia nhập các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sau khi chính quyền tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris.

Các nhóm vận động về môi trường đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden đặt ra mục tiêu cắt giảm khí thải ít nhất 50% đến năm 2030, gấp đôi cam kết trước đó của Mỹ, và nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. Chính quyền Barack Obama từng đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 26-28% khí thải so với mức của năm 2005. Tuy nhiên, chính quyền Donald Trump đã đình chỉ các nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu này, đồng thời rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris và áp dụng các chính sách có lợi cho các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Báo cáo của Hội đồng bảo vệ các nguồn tài nguyên (NDC) hồi tháng 3-2021 cho rằng, mục tiêu cắt giảm 50% khí thải sẽ “giúp nước Mỹ thoát khỏi sự suy thoái vì đại dịch bằng cách tạo ra việc làm cho hàng triệu người Mỹ mỗi năm, tránh được hàng chục nghìn cái chết sớm và tạo động lực cho những hành động tham vọng hơn nhằm chống biến đổi khí hậu toàn cầu”. Tuần trước, hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp đã thúc giục Tổng thống Joe Biden tãng gấp đôi mục tiêu cắt giảm khí thải so với mức hiện tại. Ðộng thái này cho thấy lĩnh vực tư nhân sẵn sàng tham gia vào các mục tiêu chính sách chống biến đổi khí hậu của chính quyền Mỹ.

Chương trình khí hậu của Tổng thống Joe Biden bao gồm một gói ngân sách về cơ sở hạ tầng đầu tư vào chuyển giao năng lượng sạch, một trong những nỗ lực liên bang lớn nhất của Mỹ nhằm kiềm chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nguồn tiền này chủ yếu sẽ được chi bằng cách tăng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chính quyền Joe Biden cũng đã ban hành các quy định mới đối với các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch, cùng các sắc lệnh hành chính đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm trong các vấn đề như nước sạch, không khí, hóa chất, bảo vệ đất và đời sống hoang dã. Hiện chưa rõ mục tiêu cụ thể mà Mỹ có thể đưa ra trong việc cắt giảm khí thải. Dù vậy, mức 50% mà các nhóm vận động đang kêu gọi vẫn thấp hơn so với cam kết của Anh và Liên minh châu Âu, lần lượt là 68% và 55%. Chưa kể, sẽ có rất nhiều thách thức trong việc thực hiện, nhất là về mặt kinh tế.

Có thể nói, Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu đánh dấu “nước Mỹ trở lại”, là thời điểm quan trọng để thể hiện một nước Mỹ thực sự hành động cho những cam kết.

* Liên hợp quốc nhấn mạnh 2021 phải là năm hành động để bảo vệ mọi người trước những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu.

* Mỹ cam kết đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

* Vương quốc Anh tuyên bố cắt giảm 78% lượng khí thải vào năm 2035, là một trong những nền kinh tế lớn đầu tiên đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

* Trung Quốc nhất trí hợp tác ngăn chặn biến đổi khí hậu…

“Năm 2021 phải là năm hành động. Các quốc gia cần cam kết trung hòa khí thải vào năm 2050... Thời gian đang cạn dần để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chúng ta cần làm nhiều hơn và nhanh hơn, ngay từ bây giờ”.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

“Nếu Mỹ thành công trong việc dẫn đầu thế giới giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, thì sẽ tận dụng được cơ hội lớn nhất để tạo ra những việc làm có chất lượng cho các thế hệ. Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội công bằng hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn; chúng ta sẽ bảo vệ hành tinh tươi đẹp này”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken