Mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền con người, hạn chế tai nạn giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đồng tình với phương án đưa việc đào tạo, sát hạch và cấp GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của dự Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ (do Bộ Công an chủ trì), luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, việc này nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về TTATGT, đảm bảo tính hợp lý và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, thời gian qua, việc sát hạch cấp GPLX; quản lý cấp mới, cấp lại, cấp đổi GPLX đã bộc lộ nhiều bất cập. Lực lượng Công an đã phát hiện nhiều trường hợp lái xe sử dụng chất ma túy, không biết chữ, thậm chí mắc bệnh tâm thần, đang trong thời gian chấp hành án nhưng vẫn được cấp GPLX. Điều này là vô cùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, công tác quản lý GPLX chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông.

Trong hầu hết các vụ TNGT, cơ quan chức năng chủ yếu truy cứu trách nhiệm của lái xe gây tai nạn mà chưa xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. “Để bảo đảm TTATGT cần quản lý việc chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, sau khi được cấp GPLX” - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Việc quy định đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trong dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ góp phần đổi mới, hoàn thiện các chính sách, khắc phục những bất cập, hạn chế hiện có. Từ đó sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo sự chuyển biến trong công tác bảo đảm TTATGT. Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ có phạm vi điều chỉnh là quy định các vấn đề về quy tắc giao thông; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; đào tạo, sát hạch và cấp, cấp lại, đổi, thu hồi GPLX; điểm của GPLX; tổ chức ATGT và chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, TNGT; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về ATGT đường bộ.

Với mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền con người, phòng ngừa, hạn chế thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông; lập lại trật tự, nề nếp, kỷ cương, xây dựng nền giao thông văn minh, tôn trọng pháp luật, luật sư Hồng Vân cho rằng: “Việc giao nhiệm vụ đào tạo sát hạch GPLX cho Bộ Công an là hoàn toàn phù hợp; song cần có thêm những luận cứ, lý lẽ đầy đủ, xác đáng hơn nữa để thuyết phục người dân và các ban ngành ủng hộ, đồng thời rà soát kỹ các luật và văn bản dưới luật có liên quan để tránh tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất”.