Mức tăng trưởng GDP kỷ lục 7,38%: Cần chớp cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế

ANTD.VN - Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2018 tăng 7,38% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng GDP kỷ lục của quý I trong vòng 10 năm qua. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội tăng trưởng “thần kỳ” này để tái cơ cấu nền kinh tế hay không? 

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định tốc độ tăng GDP quý I-2018 thật “thần kỳ”

Tăng 7,38% - GDP lập kỷ lục trong 10 năm qua

Theo số liệu từ cơ quan thống kê quốc gia, nếu so với mức tăng GDP chỉ 3,14% của quý      I-2009 thì GDP của cùng kỳ năm 2018 tăng gấp 2,35 lần. Trong 10 năm qua, kể từ năm 2009, GDP năm này được cơ quan thống kê ghi nhận là mốc thấp nhất. Tuy nhiên, kể từ năm 2010 đến nay, GDP quý I các năm cũng chỉ tăng quanh mốc 5-6%.

Cụ thể, GDP quý I-2010 tăng trưởng khởi sắc so với cùng kỳ năm 2009, đạt 5,84%; năm 2011 tăng 5,9%; năm 2012 tăng 4,75%; năm 2013 tăng 4,76%; năm 2014 tăng 5,06%; năm 2015 tăng 6,12%; năm 2016 tăng 5,48% và năm 2018 tăng 7,38%. Trước diễn biến “thật không thể tin nổi” của GDP quý I-2018, nhiều ý kiến cho rằng tốc độ tăng này thật “thần kỳ”.

Tổng cục Thống kê cho biết, quý I năm nay, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46% điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,7%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.

“Mức tăng trưởng của GDP trong quý I năm nay là hoàn toàn có cơ sở khi các khu vực kinh tế tăng trưởng tốt, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, tiêu dùng, đầu tư đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. GDP tăng trưởng tốt cũng cho thấy sự nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ ngay từ đầu năm nay. Về khách quan, tăng trưởng kinh tế năm 2017 và quý I-2018 tương đối tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư đã tạo thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu và thu hút vốn trực tiếp lẫn gián tiếp từ nước ngoài… Chính phủ nên tranh thủ lúc tăng trưởng tốt như thế này để tái cơ cấu nền kinh tế vì trong thời gian qua, tái cơ cấu kinh tế còn chậm”. 

TS. Cấn Văn Lực (Chuyên gia kinh tế)

Lý giải nguyên nhân của kỳ tích này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê chỉ rõ 3 yếu tố khiến GDP quý I tăng mạnh. Trong đó, các giải pháp của Chính phủ được ban hành kịp thời, hiệu quả đã phát huy tác động tích cực với nền kinh tế. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện các chỉ tiêu kinh tế đã giao.

Bên cạnh đó, GDP quý I tăng cao nhất trong 10 năm qua còn do các yếu tố khác. Đó là tăng trưởng quý I tiếp đà tăng trưởng của 6 tháng cuối năm ngoái. Thông thường, quy mô GDP quý I hàng năm thường nhỏ hơn các quý còn lại trong năm, theo quy luật là “quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước” nhưng năm nay, tiếp đà quý III, IV năm 2017 (vốn quy mô GDP đã lớn) nên quy mô GDP quý I-2018 lớn hơn nhiều.

Chưa kể, sản xuất của Việt Nam thường mang tính mùa vụ nên quý I hàng năm thường tăng trưởng thấp, song 3 tháng đầu năm 2018, yếu tố mùa vụ không tác động nhiều như những năm trước. Cụ thể, GDP quý I các năm tăng thấp, chỉ có quý I-2105 tăng 6,12%, còn lại quý I các năm khác chỉ tăng trên 4% và trên 5%. 

Thành tích không của riêng Samsung hay Formosa

Theo ông Dương Mạnh Hùng, phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, ngoài các lý do trên, GDP quý I-2018 còn tăng mạnh do 6 yếu tố khác. Đầu tiên phải kể đến là sản xuất nông nghiệp tăng mạnh nhất trong 13 năm qua, đạt hơn 4%. Sau nữa, hoạt động xuất nhập khẩu đem lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế khi 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Hoạt động du lịch tăng mạnh khi du khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng đông, góp phần làm tăng tiêu dùng và xuất khẩu trực tiếp. Bên cạnh đó, tiêu dùng dân cư cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực, đó là việc có 30/63 địa phương có đời sống nhân dân tăng nhẹ, 31/63 tỉnh thành phố có đời sống dân cư ổn định và chỉ có 2 tỉnh có đời sống nhân dân giảm sút. Tăng trưởng của nền kinh tế còn được thể hiện ở mức tăng trưởng của tiêu dùng điện và đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. 

Riêng về đóng góp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho hay, quý I-2018, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,56% so với cùng kỳ năm ngoái. Và mức này cao hơn 6,1 điểm phần trăm so với tỷ lệ 7,8% của quý I-2017 so với năm 2016, trong đó,  đóng góp phần lớn thuộc về Samsung. “Samsung ngày càng chứng tỏ là tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh trên thế giới”, ông Phạm Đình Thúy nhận xét.

Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, nhờ có Samsung mà lĩnh vực sản xuất điện thoại và linh kiện tăng trưởng ngày càng nhanh và đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam. Nếu như năm 2010, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chỉ đóng góp 9,9% giá trị tăng thêm của ngành thì năm 2015, đóng góp của ngành này đã lên tới 17,8%. Trong đó, riêng sản xuất điện thoại di động và linh kiện đã tăng 58,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Dự kiến, trong quý II-2018, tăng trưởng của Samsung vẫn ấn tượng như quý I và cả năm, tăng trưởng của Samsung ở khoảng 18%, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Một tên tuổi khác cũng được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp là Formosa. Tuy nhiên, do mới đi vào sản xuất nên mặc dù tăng trưởng nhanh, nhưng doanh nghiệp này chưa có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. 

Cơ hội hay thách thức?

Nhìn nhận khá lạc quan về tăng trưởng GDP quý I, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, mức tăng trưởng của GDP trong quý I năm nay là hoàn toàn có cơ sở khi các khu vực kinh tế tăng trưởng tốt, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, tiêu dùng, đầu tư đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. GDP tăng trưởng tốt cũng cho thấy sự nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo của Chính phủ ngay từ đầu năm nay.

Về khách quan, tăng trưởng kinh tế năm 2017 và quý I-2018 tương đối tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư đã tạo thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu và thu hút vốn trực tiếp lẫn gián tiếp từ nước ngoài. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng cần thận trọng phân tích kỹ các động lực chính của sự tăng trưởng để xem tăng trưởng có bền vững hay không, đặc biệt là việc tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong bối cảnh này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: “Chính phủ nên tranh thủ lúc tăng trưởng tốt như thế này để tái cơ cấu nền kinh tế vì trong thời gian qua, tái cơ cấu kinh tế còn chậm”. 

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù GDP quý I-2018 tăng trưởng khả quan nhưng nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như lạm phát có thể tăng cao hơn mục tiêu 4%/năm do giá xăng dầu thế giới dự kiến tăng lên mức 70-80 USD/thùng; Nhà nước đốc thúc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; Giá thực phẩm (đặc biệt là thịt lợn) có xu hướng tăng vào dịp cuối năm do cung không đủ cầu… Do đó, việc điều hành kinh tế cần phải linh hoạt và thận trọng. Dự báo nửa cuối năm nay, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và mục tiêu GDP cả năm đạt 6,7% vẫn được xem là đầy thách thức!