Mục đích thực của người hoang báo "bị xõa tóc gây mê, trộm tiền tỉ"

ANTĐ - Điệp cho biết, mục đích của chị ta không gì khác là để "ép" các anh Công an phải tích cực vào cuộc điều tra, vì chị ta sợ "nếu tài sản bị mất trộm ít thì các anh ý không làm"

Ngày 18-2, Công an phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội nhận được đơn trình báo của bà chủ cửa hàng mỹ phẩm 490 Xã Đàn, phường Nam Đồng - Vũ Hoàng Điệp, với nội dung: Trưa cùng ngày, có một phụ nữ đã vào cửa hàng mỹ phẩm của Điệp giả vờ mua hàng, sau đó bất ngờ bung tóc cho xõa ra và trong khoảnh khắc đó, Điệp thấy mình bị choáng váng, phải đứng dựa vào quầy hàng một lúc. Khi định thần lại thì Điệp thấy chiếc túi xách của mình, bên trong có 2 chiếc điện thoại, 35.000 euro, 1.900 usd, 48 triệu đồng, đã biến mất cùng người phụ nữ. Vụ việc nhanh chóng được cấp báo tới Công an quận Đống Đa. Rất lâu rồi trên địa bàn mới xảy ra một vụ án "gây mê để cướp" với thủ đoạn hết sức tinh vi. Ngay lập tức, lãnh đạo Công an quận chỉ đạo anh em phá án, bằng mọi biện pháp nghiệp vụ, phải bắt bằng được thủ phạm.

Đắm đò nên giặt luôn mẹt(?)

Nhận thông tin từ Công an phường Nam Đồng về vụ "cướp gây mê", Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Đống Đa đã xuống hiện trường, ghi lời khai của nạn nhân và các nhân chứng. Vụ việc được nạn nhân Vũ Hoàng Điệp kể lại như sau: Khoảng 14h30 ngày 18-2, khi chị Điệp đang ngồi bán hàng (thời điểm đó có một người cô của Điệp cũng có mặt ở cửa hàng) thì có một phụ nữ khoảng 45 tuổi vào hỏi mua một số loại mỹ phẩm. Vừa chọn hàng, người phụ nữ vừa nói chị ta làm trong ngành Công an nên rất khó khăn trong việc làm thủ tục đi ra nước ngoài để mua mỹ phẩm nên mới phải vào đây. Khi tính tiền, người phụ nữ chưa đưa tiền ngay mà cố tình ngồi thêm 15 phút nữa, nói là chờ bạn đến mua cùng. Khi trong cửa hàng chỉ còn chị Điệp và vị khách này thì vị khách đề nghị được uống nước. Do cảnh giác nên chị Điệp đã nhờ người hàng xóm mua giúp 2 cốc nước trà chanh bê vào cho người phụ nữ uống. Chị ta uống hết cốc nước và có mời chị Điệp uống nhưng chị Điệp không uống.

Sau đó, người khách lại tiếp tục chọn một số hộp kem bôi mặt khác, chị Điệp đi theo ra tư vấn cho khách thì bất ngờ vị khách tháo chiếc cặp tóc xuống và xổ tung mái tóc của mình ra. "Tôi cảm thấy choáng váng, mắt không nhìn rõ, tôi có cảm giác người quỵ xuống. Sau đó khoảng 2 phút thì tôi tỉnh táo lại. Tôi chạy ra quầy tính tiền để xem thì phát hiện túi xách của tôi bị mất cắp và không thấy người phụ nữ đó đâu nữa..." - chị Điệp viết trong đơn.

Chị Điệp cũng cho biết, hôm đó chị định đi xem cái nhà để mua nên mang theo nhiều tiền. Tuy nhiên, qua việc lấy lời khai nạn nhân và lời khai của các nhân chứng có mặt tại thời điểm vụ việc xảy ra, cơ quan Công an phát hiện có nhiều mâu thuẫn, song song đó, công tác truy bắt đối tượng trộm cắp đã được tiến hành ráo riết. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các anh đã tóm được kẻ gian là Lê Thị Hồng Thiệp, SN 1967, trú tại tổ 12, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Thiệp là một đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp, thời điểm này, chị ta còn đang nợ bản án 24 tháng tù giam cũng về tội "trộm cắp tài sản" Tòa án nhân dân quận Đống Đa xử. Thiệp khai nhận là thủ phạm gây ra vụ trộm ở cửa hàng 490 Xã Đàn, tuy nhiên tài sản chị ta lấy được chỉ gồm có 2 điện thoại (một chiếc Iphone 5 và một điện thoại Iphone 3), một ít tiền khoảng vài trăm nghìn trong ví...) chứ hoàn toàn không có 35.000 euro và 1.900 usd như chị Điệp trình báo. Và cũng không có chuyện "xõa tóc gây mê" như tưởng tượng của bà chủ cửa hàng mỹ phẩm. Chiếc điện thoại Iphone 3, Thiệp đã cho con gái sử dụng.

Được mời lên Công an quận Đống Đa làm việc, biết là không thể tiếp tục "khai láo", Vũ Hoàng Điệp đã thừa nhận hành vi khai báo gian dối của mình. Điệp cho biết, mục đích của chị ta không gì khác là để "ép" các anh Công an phải tích cực vào cuộc điều tra, vì chị ta sợ "nếu tài sản bị mất trộm ít thì các anh ý không làm". Cơ quan Công an không phải là cái chợ, càng không phải là nơi khai láo, khai đùa, thế nên hành vi của Điệp đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự được quy định trong BLHS. Đây không chỉ là bài học nhớ đời của Vũ Hoàng Điệp mà còn là bài học chung cho những kẻ thiếu ý thức pháp luật.

Không ngờ các anh Công an làm nhanh quá!

- Trước khi bán hàng mỹ phẩm thì em làm nghề gì?

Em mới về Việt Nam được một tháng, trước đây em sống ở Đức, mở nhà hàng ăn uống, đến bây giờ là 12 năm rồi.

- Hồi đó sang Đức theo hình thức nào, du học hay xuất khẩu lao động?

Em đi du học.

- Bình thường có ai giúp em bán hàng không, hay chỉ có một mình?

Có, em thuê một người nữa nhưng hôm người ta chưa đến.

- Khi người phụ nữ vào mua hàng, nhìn điệu bộ của chị ta cũng như cái cách mua hàng, chọn rất nhiều nhưng câu giờ chưa trả tiền, em có nghi ngờ gì không?

Vâng. Em đã nảy sinh nghi ngờ nên có ý cảnh giác. Lúc chị ta đòi uống nước, em nhờ người hàng xóm đi mua 2 cốc nước trà chanh vào nhưng em cũng không uống vì sợ chị ta bỏ thuốc gì đó vào. Khi chị ta xõa tóc, em thấy hơi choáng, em đứng vào trong một lúc, chỉ khoảng 2-3 phút, em chạy ra quầy tìm túi thì không thấy túi nữa, thấy chị ta bỏ lại cái túi màu tím nhưng em nghĩ đã bỏ lại thì bên trong không có gì nên không mở ra.

- Chính xác là em bị mất những gì?

Em bị mất 2 điện thoại, một hộp phấn Chanel, 2 thỏi son, ví bên trong không có nhiều tiền, một thẻ ATM.

- Em khai không đúng số tài sản bị mất để làm gì?

Thực ra em chẳng có mục đích gì ngoài cái việc nếu mất nhiều thì cơ quan Công an sẽ tích cực điều tra nhanh hơn.

- Sao em không nghĩ đến tình huống, nếu cơ quan điều tra họ bắt được thủ phạm trộm cắp thì sự thật của mình sẽ bị phơi bày.

Hôm qua em có nói với một anh Công an phường Nam Đồng là em muốn trình báo lại nhưng em chưa kịp thực hiện. Em nói với anh ý, thực ra em khai báo có cái ý đúng, có cái ý sai đấy.

Vũ Hoàng Điệp

- Em từng ở Đức 12 năm, đó là một đất nước mà công dân rất có ý thức tôn trọng pháp luật, em ở đó thời gian dài, hẳn cũng phải tuân thủ pháp luật ở một nước văn minh như thế, sao không áp dụng sự văn minh ấy ở nước mình?

Thực sự là em mất bình tĩnh quá, khi mọi người xung quanh biết chuyện chạy đến, em chỉ thấy loáng thoáng người ta đến đông, họ nói "nếu mình khai ít thì không ai đi tìm cho mình hết", em chỉ nghĩ vậy và không nghĩ đến hậu quả lại tai hại thế này. Lúc khai báo xong em nghĩ, có gì mình sẽ đính chính sau, không ngờ các anh Công an làm nhanh quá, khi em chưa kịp chỉnh sửa cái sai của mình thì đã bắt được thủ phạm rồi.

Không thể đổ lỗi do nhận thức

- Em nghĩ gì về hành vi của mình, sau tất cả?

Em nghĩ đó là một sự sai lầm quá lớn, ảnh hưởng đến cơ quan Công an, hậu quả rất nghiêm trọng. Sau khi khai báo xong, em đã mất ngủ vì lo.

- Một người từng đi du học nước ngoài như em, không thể đổ lỗi do trình độ nhận thức!

Em chả biết nói thế nào nữa. Quả là em rất nông cạn, không nghĩ hậu quả lại thế này.

- Có thông tin cho rằng em nợ nần tiền bạc nên mới nghĩ ra cách đó để chủ nợ người ta thương hại?

Không, cái này thì em không có.

- Bình thường em có hay nói dối không?

Ít lắm chị ạ. Thường thì em rất thẳng tính, không hay nói dối. Sau khi trình báo vế, em nghĩ là em sẽ tìm cách nào để tháo lời em nói. Nhưng chưa kịp nói thì đã bắt được trộm rồi.

- Nhưng câu chuyện của em cũng là một bài học cần phải tuyên truyền, nhất thiết phải cảnh báo xã hội, cơ quan Công an đâu phải là nơi để đùa giỡn, muốn khai báo thế nào cũng được.

Vâng, có lẽ em muốn nhắn tới mọi người, trước khi mình định nói cái gì, cần phải nghĩ sự ảnh hưởng, hậu quả của lời mình nói tới người liên quan, tới pháp luật. Nói chị không tin chứ em ngạc nhiên với chính em, ở bên kia chưa bao giờ em vi phạm pháp luật, từ vi phạm giao thông em cũng chưa. Em tự nhận từ trước đến giờ em rất nghiêm túc, lý lịch sạch sẽ. Khi em thấy các anh Công an không hài lòng khi phát hiện ra em gian dối thì em biết là mình sai rồi.

- Tuổi Canh Thân năm nay sao đẹp chiều mệnh mà sao lại dính vụ việc không đáng có này nhỉ?

Em từ trước đến giờ không mê tín. Cũng chưa bao giờ đi xem bói. Chỉ nghĩ đơn giản, đồ đạc của em tính ra chỉ hơn 20 triệu, sợ ít nên khai khống lên!

- Cảm giác của em bây giờ thế nào?

Sợ chết đi được...