Mục đích cuối cùng

ANTĐ - Đã có nhiều phương án, đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, nhưng việc đảm bảo hài hòa cân đối Quỹ bảo hiểm với mục tiêu mở rộng đối tượng, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm giữa các thời kỳ là hết sức khó khăn. Đây là ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH đưa ra trong báo cáo với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và tình hình quản lý, sử dụng Quỹ.

Sau 7 năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy vậy, đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mới đạt 10,8 triệu người và tự nguyện là 173.000 người, tỷ lệ này là quá thấp, chỉ chiếm khoảng 20% lực lượng lao động. Điều này có nghĩa, trong tương lai, nước ta sẽ phải đối mặt với hàng triệu người lao động không có lương hưu. Gánh nặng này đặt lên vai Nhà nước phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người. Riêng trong năm 2011 đã phải trợ cấp 2.954 tỷ đồng cho 1,3 triệu người.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, về lâu dài vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất là sự mất cân đối Quỹ BHXH. Quỹ là tiền đóng góp của người lao động để đảm bảo an sinh khi về già, song thực tế đang tồn tại tình trạng chưa tương xứng giữa mức đóng và mức hưởng. Theo quy định tại Luật BHXH, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương; tiền công tháng đóng bảo hiểm tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% với nam và 3% với nữ, theo đó tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%. Trong khí đó ở các nước, tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ khoảng   40-45%.

Nói cách khác, ở ta đóng 1 mà hưởng 3 thì việc mất cân đối Quỹ là không thể tránh khỏi. Vì vậy, theo Bộ LĐ-TB&XH, nhất thiết phải điều chỉnh mức đóng cho phù hợp. Ngay từ bây giờ, nếu không giải quyết vấn đề này thì khó có thể tạo ra bước đột phá trong 10, 20 năm sau và nguy cơ vỡ Quỹ BHXH như cảnh báo của Tổ chức Lao động quốc tế là điều đương nhiên. Theo Vụ BHXH, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, hệ thống hưu trí đa tầng giải quyết được những rủi ro về già hóa dân số hiệu quả hơn hệ thống hưu trí đơn tầng. Hiện nước ta chỉ có hệ thống hưu trí cơ bản, BHXH bắt buộc sẽ không thể đáp ứng sự gia tăng của xu thế già hóa dân số.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia trong nước và quốc tế, thời điểm này là thuận lợi để triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện. So với bảo hiểm hưu trí bắt buộc hiện nay, đối tượng được hưởng bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ rất nhiều, từ nông dân, chủ trang trại, lao động tự do, thậm chí cả người lao động cơ quan hành chính sự nghiệp đã hưởng BHXH. Bắt buộc hay tự nguyện thì mục đích cuối cùng là đảm bảo cho người lao động nghỉ hưu có thể yên tâm hưởng cuộc sống “an toàn trong hiện tại, thư thái trong tương lai”.