Mua vé tàu xe dịp Tết: Ham rẻ vớ vé rởm

ANTĐ - Càng đến sát Tết, nhu cầu mua vé tàu xe của người dân càng “nóng”. Lợi dụng cơ hội này, một số đối tượng đã bán vé giả ra thị trường với giá thấp hơn hẳn. Ham rẻ, không ít người đã bị mắc lừa…

 

Mua vé tàu xe dịp Tết: Ham rẻ vớ vé rởm ảnh 1Người dân nên mua vé tại quầy bán vé để tránh mua phải vé rởm

Bán vé giả qua mạng xã hội

Mấy ngày gần đây cư dân mạng được phen xôn xao khi đại diện một doanh nghiệp vận tải tư nhân miền Trung thông báo vé xe Tết giả của đơn vị này đã xuất hiện trên thị trường. Đó là 2 vé xe giường nằm chạy tuyến TP.HCM - Tuy Hòa vào ngày 28-12 Âm lịch của một  phụ nữ mang đến bến xe đối chiếu. Theo người phụ nữ này, chị đã mua 2 vé xe với giá 480.000 đồng/vé của một người rao bán trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, sau khi mua vé, trả tiền, do thấy nghi ngờ nên người phụ nữ này đã mang đến phòng bán vé của hãng đối chiếu. Kết quả cho thấy, 2 chiếc vé xe Tết này là vé giả, không có dấu của doanh nghiệp vận tải đóng giáp lai giữa hai liên vé, không có số series in bằng mực đen ở phía trên góc phải, giá tiền trên vé giả được viết tay (trên vé thật giá tiền được đóng dấu bằng mực đỏ). Bên cạnh đó, từ trước đến nay, đơn vị vận tải này không tiến hành bán vé qua mạng.

Còn theo chị Phạm Hồng Hà – nhân viên Công ty FPT, do có dự định về Vinh (Nghệ An) vào ngày 27 Tết nên chị phải mua 2 vé xe giường nằm. Giá vé chị Hà vẫn thường mua là 230.000 đồng/vé. Tuy vậy, để mua được vé về Tết phải mất khá nhiều thời gian xếp hàng nên khi một người bạn mách có người bán lại vé giường nằm về Vinh với giá chỉ 180.000 đồng/vé, lại giao vé tận nơi, chị Hà quyết định mua của người đó. Song khi nhận vé, chị Hà thấy con dấu của đơn vị phát hành đóng trên vé rất nhòe, biển số xe không được in trên vé như những chiếc vé chị đã từng mua nên không lấy. “May mà tôi kiểm tra kỹ không thì không những mất tiền oan mà còn nhỡ việc. Đúng là của rẻ rất dễ là đồ giả”, chị Hà chia sẻ.

Gần đây, nhiều người cũng đã từng là nạn nhân của vé xe giả vào dịp giáp Tết. Năm ngoái, nhiều công nhân ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đến ngày đi mới phát hiện là mua phải vé xe giả. Khi họ đến tìm người bán vé ở đại lý thì người này đã lặn mất tăm. Đáng thương nhất là trong số đó có không ít người đã phải tích cóp, dành dụm tiền từ trước đó rất lâu để mua vé xe về Bắc với giá 500.000-600.000 đồng/vé. Điều đáng nói là điểm bán vé xe giả này không nằm trong danh sách các điểm bán vé xe đã được phê duyệt và cũng không có đăng ký của các nhà xe.

Thời điểm này vé xe Tết đang là vấn đề được nhiều người quan tâm và để có trong tay tấm vé về đoàn tụ với gia đình, mỗi cá nhân phải khá vất vả. Nhằm tiết kiệm chi phí, không ít người đã mua vé giá rẻ không rõ nguồn gốc được rao bán trên mạng hoặc của các đối tượng “cò” thường xuất hiện quanh khu vực các bến xe. Việc làm này không những tiềm ẩn rủi ro cao mà còn vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu thu lợi bất chính.

Nên mua vé tại quầy vé

Bằng việc rỉ tai: mua vé ngoài rẻ hơn vì mua vé tại bến phải mất thêm nhiều loại phí như phí an ninh, phí bến bãi… các đối tượng “cò” đã thu hút được khá nhiều hành khách. Bên cạnh đó, do có tâm lý ngại chen chúc, xếp hàng, để tiết kiệm thời gian, một số người đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé của “cò”, mua vé qua mạng nên càng dễ “sập bẫy”.

Về vấn đề trên, chiều 20-1, ông Nguyễn Tất Thành - Giám đốc Xí nghiệp QLBX phía Nam (Công ty Quản lý bến xe Hà Nội) cho biết, từ nay đến sát Tết, nhu cầu đi lại của người dân sẽ không ngừng tăng cao. Lợi dụng cơ hội này, một số đối tượng đã trà trộn, giả danh là người của nhà xe, phụ xe để bán vé giả. Do vậy, hành khách nên vào trong bến xe và mua vé tại quầy. Xí nghiệp đảm bảo có đủ cơ số vé và bố trí nhân viên hướng dẫn để sẵn sàng phục vụ, giải đáp những thắc mắc của khách khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, khi mua vé, người dân cần lưu ý phân biệt: Trên vé thật luôn có đủ các thông số quan trọng như tên doanh nghiệp vận tải, mã số thuế, tuyến đường đi, giờ xuất bến, biển số xe, giá tiền... Trong khi đó, vé giả thường thiếu một trong các thông tin trên, đặc biệt mã số thuế, biển số xe, mực in dễ bị nhòe, không rõ nét…

Cũng theo ông Nguyễn Tất Thành, dù lượng khách tăng cao, đặc biệt là vào dịp 23 và 28 tháng Chạp do những người dân học tập, sinh sống tại Hà Nội về quê nhiều song bến xe đã bố trí đủ xe nên hành khách không cần phải đăng ký trước mà chỉ cần đến bến xe trước giờ khởi hành để mua vé. Dự kiến Bến xe phía Nam sẽ tăng cường thêm từ 120-150 lượt xe trong 3 đợt: ngày 20, 26, 28 tháng Chạp. Để đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực, Xí nghiệp QLBX phía nam sẽ sắp xếp hợp lý xe trong bến, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng điều tiết từ xa. Bên cạnh đó, nhằm phòng ngừa tình trạng trộm cắp, móc túi, bến xe sẽ tăng cường quân số chốt trực tại khu vực quầy vé và ở một số tuyến có lượng khách cao. “Còn về vấn đề chở quá tải, một tổ liên ngành sẽ được thành lập gồm Thanh tra giao thông, cảnh sát ở bến xe, nhân viên kiểm soát của Xí nghiệp… Tổ này có nhiệm vụ kiểm tra tất cả các xe khi xuất bến và xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm về chở người và hàng hóa vượt quá quy định cho phép” - ông Thành khẳng định.