Mua vé của "cò" - dễ mất cả chì lẫn chài

ANTĐ - Càng sát Tết Nguyên đán, nhu cầu mua vé tàu của người dân càng tăng mạnh. Do một số chuyến trong những ngày cao điểm đã hết vé nên không ít người đã tìm đến “cò” mà không biết rằng nguy cơ bị lừa là rất cao.

Mua vé của "cò" - dễ mất cả chì lẫn chài ảnh 1Người dân nên đến mua vé tàu trực tiếp tại quầy bán vé
hoặc đặt vé qua mạng, không nên mua vé từ “cò”

Vé ngày nào cũng có

Có mặt tại Ga Hà Nội sáng 1-12, khi chúng tôi vừa từ điểm gửi xe bước ra đã có 2 người phụ nữ ở gần khu vực đó chạy lại hỏi “mua vé tàu Tết à, đi đâu?”. Khi biết chúng tôi có nhu cầu đi Vinh (Nghệ An) vào ngày 28 Tết, những người này ra giá luôn “700.000 đồng/vé giường nằm, mua bao nhiêu, ngày nào cũng có, đừng vào ga tốn công vô ích vì làm gì còn vé”. Chưa nói đến việc khách có mua được vé thật hay không, song qua tay “cò”, giá vé đã bị đội lên tới 350.000 đồng/vé.

Quả thật, đúng như những người này “dự báo”, khi chúng tôi vào các quầy bán vé, vé giường nằm cho cả ngày 27, 28 Tết về Vinh đã hết sạch. Thấy chúng tôi đi ra tay không, “cò” vé lúc trước sẵng giọng: “Đã bảo hết vé rồi còn cố vào. Nếu không mua ngay, chỉ vài ngày nữa đến 1 triệu đồng/vé cũng chịu”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Mua vé phải xuất trình chứng minh nhân dân, trong kia nói không còn vé thì chị mua bằng cách nào?”, người phụ nữ lớn tuổi khẳng định như đinh đóng cột: “Cứ đặt tiền, đọc số chứng minh là xong hết. Chúng tôi chẳng qua là đại lý bán lẻ nên có nhiều kênh để mua vé. Yên tâm là vé xịn 100%, nếu bán vé giả bọn này đã vào tù lâu rồi”.

Mặc dù đến thời điểm hiện tại, vé tàu Tết về một số địa phương đã trở nên khan hiếm, song số người bỏ tiền ra mua vé từ “cò” đã giảm đáng kể. Chị Nguyễn Thị Thủy - ở tòa nhà Sông Đà (đường Hoàng Minh Giám, quận Thanh Xuân) cho biết, hầu như năm nào chị cũng đi tàu về quê (Nghệ An) ăn Tết và luôn có kế hoạch mua vé tàu sớm. Năm nay do mới phát sinh thêm 2 người họ hàng có nhu cầu về cùng nên chị vẫn chưa mua được vé. “Nhiều “cò” cũng mời chào nhưng tôi chưa quyết định, bởi do việc mua vé tàu hiện nay khá chặt chẽ, nếu mua vé từ bên ngoài rất dễ mất tiền oan. Chắc tôi phải tính đến phương án đi ô tô vậy” - chị Thủy chia sẻ.

Được biết, từ tháng 9-2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã triển khai hệ thống vé tàu điện tử, hóa đơn điện tử để phục vụ nhân dân trong dịp nghỉ lễ 2-9 và chuẩn bị bán vé tàu Tết 2016. Theo đó, hành khách mua vé tàu có thể tự thanh toán, in vé trực tuyến và chủ động hoàn toàn trong việc đặt chỗ, đăng ký cũng như tra cứu, nhận hóa đơn điện tử tại bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào mà không cần phải ra ga để làm thủ tục. Khi lên tàu, hành khách chỉ cần xuất trình thông tin vé điện tử và thông tin cá nhân khớp với giấy tờ tùy thân. Trên vé điện tử có mã code để thiết bị kiểm soát nhận diện. 

Cần giữ bí mật thông tin vé tàu

Theo đại diện của Tổng công ty ĐSVN, do mỗi vé chỉ có một mã code nên nếu hành khách mua vé từ “cò” và khai không đúng thông tin cá nhân thì tấm vé đó không có giá trị lên tàu. Tổng công ty ĐSVN khuyến nghị hành khách cần cung cấp chính xác thông tin cá nhân, giữ bí mật thông tin vé tàu nhằm tránh bị kẻ gian lợi dụng.

Khi mua vé, hành khách phải cung cấp đầy đủ giấy tờ tùy thân nhằm đảm bảo quyền lợi của mình trong các trường hợp mất vé, tranh chấp, trùng chỗ và trả lại vé.  Tất cả vé tàu đều đưa công khai lên mạng, việc mua vé online hoặc đặt chỗ trên mạng rất thuận tiện. Vì vậy, trước khi đến ga mua vé trực tiếp, khách hàng cần kiểm tra tình trạng số chỗ còn trống trên website để tránh đi lại nhiều mà không đạt kết quả.

Trường hợp hành khách đã mua vé nhưng sau đó muốn trả lại thì vé sẽ được đưa vào kho chờ của ngành đường sắt dành những người có nhu cầu khác. Quy trình bán vé hiện nay khá công khai minh bạch nên không có chuyện can thiệp để người này đổi vé cho người kia. Nhà ga sẽ không giải quyết chuyển đổi tên người này sang người khác, nhằm tránh trường hợp “cò” mua vé với tên người này rồi bán cho người kia để kiếm lời.

Nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, tại Hà Nội, Chi nhánh Vận tải đường sắt Hà Nội đã khai trương Tổng đài bán vé và chăm sóc khách hàng 1900.0109 từ ngày 1-10. Tại 2 đầu Hà Nội và Sài Gòn, Tổng công ty ĐSVN cũng đã thành lập các tổ thường trực để hỗ trợ giải quyết vướng mắc của người dân, tiếp nhận thông tin liên quan đến “cò” vé qua các đường dây nóng. 

Như vậy có thể nói, quy trình bán và kiểm soát vé tàu của ngành đường sắt hiện nay rất chặt. Ngay cả việc trả, đổi vé cũng phải do “chính chủ” tự tay thực hiện và phải ký vào biên bản. Do đó, nếu người dân chấp nhận mua vé chợ đen, nguy cơ mất cả chì lẫn chài là rất cao. Để tránh “tiền mất, tật mang”, hành khách cần thận trọng, tuyệt đối không nên mua vé từ “cò”.