‘‘Mùa thu đảo chiều”

ANTĐ - Nhận được giấy mời Giao lưu với nhà văn Ma Văn Kháng và giới thiệu tập truyện ngắn “Mùa thu đảo chiều”, mới giật mình: Ông lại mới ra một tập truyện. 

Nhà văn Ma Văn Kháng ra sách liên tục, và liên tục làm bạn đọc bất ngờ vì tần số xuất hiện sách của ông. Nhiều khi chưa kịp đọc ngấm cuốn sách này thì ông lại trình làng thêm một cuốn sách khác. Lần này là tập truyện ngắn được ra mắt đúng vào mùa thu với tựa “Mùa thu đảo chiều”. Tên tập sách cũng là một tên của một truyện ngắn, trong truyện, ông viết về mùa thu như thế này:  "Mùa thu ấy, cái kết thúc của câu chuyện đã đến. Như sự tuần hoàn của thời tiết từ hạ sang thu, đến thật chùng chình, nhưng lại giống như cái kết của một truyện ngắn tài tình, nghĩa là rất có lý mà lại hoàn toàn bất ngờ. Mùa thu ấy đến chậm rãi và đủng đỉnh như những trang văn của một tiểu thuyết cổ điển. Tuy vậy, tiết thu vừa chớm đã đạt ngay đến sự dịu dàng mát mẻ hiếm hoi và mọi người có cảm giác được đền bù thật thỏa đáng sau những ngày hè nấu nung. Chỉ tiếc sáng thu ấy giống như một nốt nhạc lạc điệu trong âm hưởng êm đềm, trong mát của khúc nhạc thu dìu dặt mỗi sớm mai". 

Truyện ngắn “Mùa thu đảo chiều”, tưởng như ông viết về mùa thu nhưng không phải, ông không nói về mùa thu mà đó là câu chuyện của một cặp vợ chồng cọc cạch về mọi bình diện mà theo như nhà văn mô tả thì đó là sự cọc cạch đến mức khó chấp nhận như một sự lắp ghép vụng về, như thói trêu người của ông tạo, lại giống như một trò đua oái oăm của định mệnh. Truyện ngắn có cái kết “đảo chiều”, cái kết bất ngờ và cũng rất tài tình khiến người đọc khi hả hê, khi thở phào, khi lại ngỡ ngàng, khi phải suy ngẫm như nhiều truyện ngắn khác của ông. 

Song đọc Ma Văn Kháng có lẽ điều làm người đọc hứng thú nhất đó là được khám phá kỹ thuật sử dụng ngôn từ rất giản dị, rất đời nhưng sự  tinh tế thì đạt tới mức nghệ thuật. Đặc biệt là trong cách miêu tả nhân vật, đọc sách mà có cảm giác như bộ mặt của nhân vật ấy, tính cách của nhân vật ấy đang đứng sừng sững ngay trước mặt. Ông có cách dùng những từ ngữ cũ, vào những câu chuyện cũ nhưng với cách rất riêng, rất mới và rất Ma Văn Kháng.

Trong “Mùa thu đảo chiều”, miêu tả nhân vật anh chồng xấu xí, ông viết: “chồng nàng cằn cọc thấp bé, héo hắt buồn tẻ như một dải khoai héo, trông chẳng khác tên đầy tớ hèn mọn của một phu nhân đài các là nàng. Ngực lép. Đít hóp. Mặt tóp. Hai con mắt bên ngưỡng thiên bên ngưỡng địa, lại dán nhấm. Cái miệng lại loe loe với cái hàm răng càlavâu lúc nào cũng nhoe nhoét rớt dãi. Tướng mạo ấy dù có khoác lên người bộ đại lễ phục, dù có hưởng hàm trưởng phòng, vụ trưởng thì vẫn cứ lồ lộ vẻ tôi đòi, bần tiện. Thành ra, nhìn cái vẻ bề ngoài cóm róm, dị hợm, uột èo, chán ngắt của y, chẳng anh đàn ông chân chính nào mà không thấy chạnh lòng, khó chịu và tiếc rẻ, tiếc rẻ quá!”.

Trong  truyện “Đồng cỏ nở hoa”, khi mô tả nhân vật Tổng biên tập Báo Văn hóa Thủ đô, ông viết: “Ông Tổng biên tập tuổi năm mươi, đầu hói như quả dừa, nọng thịt ở cằm đùn một vệt, nheo nheo mắt ngắm bức vẽ minh họa…” , hay mô tả nhân vật Rào ở phòng mnh họa: “Người đàn bà tên Rào cao lêu đêu, tóc uốn điện xoăn bụt ốc, mặt thười thưỡi như cái lưỡi cày, vai rộng, tướng đàn ông, khoác cái áo thổ cẩm chàm, thêu hoa xanh đỏ tím vàng rờ rợ, bước vào”. Cái cách ông dùng từ “Cóm róm”, “nọng thịt”, “mặt thười thưỡi”…. rõ ràng là cách rất riêng, rất mới và đã làm giàu thêm cái sự đa dạng của tiếng Việt.

Đọc Ma Văn Kháng sẽ thấy dường như ông nghe thấy tất cả âm thanh của cuộc sống. Từ những nốt cao vút đến những nốt trầm sâu lắng và cả những nốt nhạc lạc điệu, những tạp âm. Đọc để được khám phá.