Mua nhà qua sàn: “Thả gà ra đuổi”

(ANTĐ) - Do không tìm hiểu kỹ, ông V.P (ở quận Thanh Xuân) và ông N.T.H (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) đã mang tiền đến nộp cho một sàn bất động sản không có chức năng chuyển nhượng nhà đất tại dự án khu đô thị mới Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Hậu quả là ông P, ông H đã bị mất số tiền hàng trăm triệu đồng tiền đặt cọc.
Bài 1 : Niềm tin đặt nhầm chỗ
Tiền đã nộp,  nhà chẳng thấy đâu Trong đơn gửi Báo ANTĐ, ông P phản ánh: “Ngày 31-5-2011, tôi đến sàn BĐS Trường Phát (gọi tắt là sàn Trường Phát) tại tòa nhà 34T khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội ký hợp đồng đặt cọc để công ty này giao dịch giúp tôi mua lô đất ô số 31 - LK 38 có diện tích 100m2 thuộc dự án khu đô thị mới Vân Canh do Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD8 làm chủ đầu tư với giá giao dịch là 4.842.817.065 đồng. Tôi đã phải đặt cọc trước 200 triệu đồng. Sau đó, gia đình tôi đã nhận được Thông báo số 138/TB-HUD8 của HUD8 về việc nộp tiền mua căn hộ thấp tầng ô đất số 31 lô LK38 mẫu nhà M2 dự án Vân Canh, trong đó yêu cầu gia đình tôi trong vòng 10 ngày kể từ ngày 8-6 phải thanh toán 70% tiền chuyển nhượng (tương đương 2.143.972.000đồng và tổng giá trị của hợp đồng này chỉ là 3.062.817.065đồng) căn nhà trên vào tài khoản của công ty tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tràng An. Cũng tại văn bản này, tôi rất ngạc nhiên khi thấy sự xuất hiện của một đơn vị thứ 3: “Sau khi nộp tiền được 3 ngày đề nghị mang giấy nộp tiền ngân hàng và CMND đến sàn giao dịch BĐS Đầu tư khai thác nhà Hà Nội (HEBICO) tại đường Trung Yên 1, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy để ký hợp đồng chuyển nhượng”. Đến lúc này tôi mới biết giao dịch mua bán nhà của tôi phải thông qua khá nhiều “cầu”. Khi đến ngân hàng nộp tiền tôi yêu cầu nhân viên sàn Trường Phát lấy hợp đồng mua bán nhà cho tôi nhưng họ thoái thác. Linh cảm có sự thiếu minh bạch trong giao dịch này tôi đã hủy lệnh chuyển tiền. Tiếp theo, tôi đã cùng nhân viên sàn Trường Phát đến trụ sở của Công ty HUD8 để hỏi cho rõ những vấn đề liên quan song lại phải ra về vì không có nhân viên nào của HUD8 đồng ý tiếp ”…
Mua nhà qua sàn: “Thả gà ra đuổi” ảnh 1
Ngày càng nhiều dự án BĐS được giao dịch trên sàn
Tương tự, ông N.T.H cũng mang 100 triệu đồng đến đặt cọc tại sàn Trường Phát để  mua ô đất số 30 lô LK 38 mẫu nhà M2 dự án trên. Tuy vậy đến thời điểm hiện tại, không những không mua được nhà mà số tiền 100 triệu đồng đặt cọc của ông H cũng có nguy cơ “một đi không trở lại”! Cũng theo ông P, “Trước tình trạng trên tôi đã đề nghị sàn Trường Phát chấm dứt hợp đồng mua bán nhà đồng thời trả lại 200 triệu đồng tôi đã đặt cọc. Tuy vậy, đã nhiều ngày trôi qua, đề nghị của gia đình tôi vẫn không được chấp nhận.Tít mù rồi lại vòng quanh Về vấn đề trên, theo bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty Trường Phát: “Sau khi nhận được thông báo nộp tiền của Công ty HUD8, trong thời hạn quy định (từ  ngày 8 đến  18-6 gia đình ông P phải ra ngân hàng nộp 70% giá trị của hợp đồng chuyển nhượng nhà cho công ty và sau khi nộp đủ tiền được 3 ngày ông P sẽ đến sàn HEBICO để ký hợp đồng. Tuy vậy, hết khoảng thời gian trên ông P chưa chuyển tiền nên chưa thể ký được hợp đồng. Chúng tôi đã giải thích với ông P rằng nếu ông này không chuyển tiền qua tài khoản của công ty thì có thể mang tiền đến HUD8 để nộp trực tiếp. Ông P đã đến HUD 8 mấy lần nhưng không được đón tiếp là do ông này không mang đủ giấy tờ cần thiết?! Còn về số tiền đặt cọc của ông P, chúng tôi đã phải đặt cọc lại cho đơn vị khác nên không thể trả lại được”. Trả lời câu hỏi: “Tại sao lại có sự chênh gần 1,8 tỷ đồng về tổng số tiền khách hàng phải nộp tại hợp đồng đặt cọc với Công ty Trường Phát và Thông báo số 138 ngày 8-6 của HUD8, bà Huyền giải thích: “Do ô đất ông P mua là mua lại của người khác nên đương nhiên phải trả tiền chênh lệch”?! Tuy vậy, trong buổi làm việc ngày 23-6 với phóng viên Báo ANTĐ, ông Nguyễn Văn Tuấn - phụ trách Phòng Kinh tế - HUD8 xác nhận: “Thông báo số 138 ngày 8-6 đúng là văn bản do công ty ban hành căn cứ vào danh sách khách hàng đủ điều kiện nhận chuyển nhượng sản phẩm tại các lô đất thuộc dự án khu đô thị mới Vân Canh do HEBICO gửi sang. HEBICO cũng là sàn giao dịch BĐS duy nhất ký hợp đồng tư vấn và dịch vụ đại lý quảng cáo, tiếp thị kinh doanh nhà ở với HUD8 đối với 187 căn hộ thuộc các lô từ LK 34 đến LK 38 và LK41. Nếu cá nhân nào muốn mua 1 trong số 187 căn hộ này, sau khi được chấp nhận và hoàn tất thủ tục đăng ký thủ tục tại HEBICO, HEBICO sẽ có công văn gửi danh sách những người đăng ký sang và HUD8 sẽ ra thông báo nộp tiền đến từng cá nhân. Trong thời hạn ghi trong thông báo, khách hàng sẽ chuyển tiền qua tài khoản của công ty và đến HEBICO ký hợp đồng chuyển nhượng. Công ty chỉ thu duy nhất một khoản tiền đó là phí dịch vụ quản lý và vận hành khu đô thị, không trực tiếp thu tiền chuyển nhượng căn nhà. Theo quy định, HEBICO cũng không được thu tiền đặt cọc của khách hàng. Đối với trường hợp nhà ông V.P, N.T.H, do 2 ông này không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng thời hạn nên ngày 19-6, công ty đã có Công văn 194 gửi HEBICO chấm dứt hiệu lực của Thông báo 137, 138 đề nghị đơn vị này tổ chức triển khai các thủ tục chuyển nhượng các ô đất trên cho khách hàng khác theo các quy định của pháp luật”. Ông Tuấn khẳng định: “Từ trước đến nay, ô đất ông P đăng ký mua chưa được chuyển nhượng cho bất cứ cá nhân nào,  gia đình ông P là người nhận thông báo nộp tiền đầu tiên nên không thể có việc phải trả tiền chênh lệch cho người mua trước. Bên cạnh đó, công ty cũng không làm việc trực tiếp, không thu  khoản tiền đặt cọc nào của khách hàng. Công ty cũng không có mối liên hệ nào với sàn BĐS Trường Phát”… Để có thông tin nhiều chiều về vấn đề trên, chiều 24-6, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện HEBICO. Vị đại diện (xin được giấu tên) này cho biết: “Việc chuyển nhượng ô đất số 31 lô LK 38 mẫu nhà M2 là theo đúng quy trình. Công ty đã có danh sách khách hàng gửi sang HUD8, trong đó có tên bà X (vợ ông P) để HUD8 ra thông báo nộp tiền đến từng cá nhân. Đến thời điểm gia đình ông P đăng ký mua, ô đất số 31 lô LK 38 mẫu nhà M2 chưa được chuyển nhượng cho bất cứ cá nhân  nào. Bên cạnh đó, do giá chuyển nhượng từng ô đất được niêm yết công khai trên sàn nên không thể có việc sàn thu tiền chênh lệch của khách hàng. Công ty cũng không nhận khoản tiền nào từ gia đình ông P và chưa từng giao dịch với sàn BĐS Trường Phát”… Việc một công ty ngang nhiên thu tiền đặt cọc, thậm chí còn có thể “ăn” cả tiền chênh lệch lên tới hàng tỷ đồng (nếu giao dịch thành công) trong khi không có chức năng ký hợp đồng tư vấn và dịch vụ đại lý quảng cáo, tiếp thị kinh doanh nhà ở tại một dự án là vi phạm pháp luật. Và trong khi chờ đợi những vi phạm này được làm sáng tỏ thì không chỉ có gia đình ông P, ông H mà những người nhẹ dạ cả tin khác vẫn không thể biết được hàng trăm triệu đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình hiện đang nằm ở đâu, đã rơi vào túi ai….