- Sáp nhập ngân hàng: Hai mặt lợi-hại, hai mặt thiếu-thừa
- Maritime Bank hợp nhất thành công hệ thống giao dịch
- Dồn dập sáp nhập ngân hàng
Sau quá trình sáp nhập, hợp nhất, hoạt động của các tổ chức tín dụng đã ổn định
và có những cải thiện đáng kể
Tại sao mua 0 đồng?
Theo TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong mấy năm qua, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ chiến lược lớn được triển khai quyết liệt trên thực tiễn. Cho đến nay, tuy được đánh giá là đã làm được nhiều việc, thậm chí đạt được những kết quả tích cực rõ rệt, song quá trình tái cơ cấu ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề cần xử lý. Đơn cử, trước mỗi kết quả mà quá trình này đạt được, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau như về cách hiểu đối với việc nợ xấu đã được xử lý hay mua ngân hàng với giá 0 đồng.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc mua lại các các ngân hàng với giá 0 đồng là đúng luật, dựa trên Quyết định 48/2013/QĐ-TTg ngày 1-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ. “Mua các ngân hàng giá 0 đồng là dựa trên giá trị thực của cổ phiếu của các ngân hàng đó. Đây là quan hệ mua bán, không phải là quốc hữu hóa”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định.
Đại diện NHNN cho rằng, một trong những “sứ mạng” của NHNN là bảo vệ tổ chức tín dụng và người gửi tiền. Việc mua lại các ngân hàng yếu kém là hoàn toàn dựa trên tiêu chí khách quan và kết quả định giá độc lập về tài sản của các ngân hàng yếu kém.
Giải thích tại sao lại mua ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh cho biết: “NHNN đã mời các công ty định giá độc lập đến định giá ngân hàng, khi nợ xấu vượt 2, 3 lần vốn tự có, thì ngân hàng này không còn giá trị”.
TS Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm, các ngân hàng yếu kém được cho thời hạn khắc phục trong 2 năm, nhưng không gượng dậy được. NHNN mua là để chấn chỉnh lại, có thể nói đó là một biện pháp sáng tạo. Đây cũng là cách làm nhanh nhất, không để các ngân hàng yếu kém cò kè mặc cả, bảo vệ tài sản của họ nhưng không coi trọng lợi ích của người gửi tiền.
Chia sẻ thêm về kết quả, ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: “Đến thời điểm này, các ngân hàng trong diện tái cơ cấu đã có nhiều thành tựu, vốn chủ sở hữu đã tăng lên 18%, vốn huy động đã tăng 147%, tín dụng tăng 87%, dự phòng rủi ro tăng 146%. Hầu hết đang hoạt động ổn định, kinh doanh bắt đầu có lãi, năng lực tài chính, quản trị rủi ro được tăng cường”.
Xử lý nợ xấu theo cách “tay không bắt giặc”
Thông tin về số liệu mới nhất liên quan tới nợ xấu, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, ước tính đến thời điểm này, trên 98% số nợ xấu xác định tại thời điểm tháng 9-2012 đã được xử lý tương ứng với gần 458.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng cũng đã được kiểm soát ở mức 2,93%. Ngoài ra, đến thời điểm này, có thể hoàn toàn yên tâm với thanh khoản.
Theo các chuyên gia, quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đạt được thành công là làm tan dần “cục máu đông” - nợ xấu. “45% nợ xấu đang được giữ ở VAMC, 28% được xử lý bằng dự phòng rủi ro, 27% được xử lý bằng giải pháp khác là thu nợ và xiết nợ”, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dẫn chứng.
TS Trần Du Lịch - thành viên đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đánh giá: “NHNN đã phải giải một phương trình với nhiều ẩn số để xử lý “cục máu đông” nợ xấu. Cách lập công ty mua bán nợ VAMC xử lý nợ xấu bằng cơ chế chứ không bằng “tiền tươi thóc thật” là kiểu sáng kiến tay không bắt giặc”.
Đánh giá về cách thức xử lý nợ xấu, ông Trương Văn Phước cho rằng, có thể nói nợ xấu tại Việt Nam được xử lý theo phương thức đặc thù, khác với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó chủ yếu là bằng sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng thông qua các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”.
Cụ thể, tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông của các tổ chức tín dụng liên tục giảm từ 2011 đến nay, thậm chí một số ngân hàng tạm dừng hoặc không chi trả cổ tức. Các tổ chức tín dụng cũng áp dụng chính sách giảm lương đối với cán bộ, nhân viên. Mặt khác, tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
“Việc xử lý nợ xấu nhanh và kịp thời đã tạo ra môi trường tốt cho ngân hàng và doanh nghiệp bình thường hóa quan hệ tín dụng. Doanh nghiệp tiếp cận được vốn trong khi ngân hàng duy trì được khả năng sinh lời”, ông Phước phân tích.