Mưa lũ sẽ còn dồn dập, khốc liệt hơn

ANTD.VN - Trong vòng chưa đầy 1 tháng, miền Bắc đã liên tiếp hứng chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão khá mạnh gây ra những tổn thất nặng nề. Xung quanh hiện tượng này, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đã chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô.

- PV: Bão số 3 đã tan nhưng các tỉnh Bắc bộ và miền núi phía Bắc vẫn còn mưa lớn, vì sao vậy, thưa ông?

- Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia: Mặc dù, hoàn lưu của bão số 3 không còn gây tác động đến thời tiết các tỉnh Bắc bộ và miền núi phía Bắc nhưng tại khu vực này vẫn diễn ra mưa giông kéo dài do ảnh hưởng của yếu tố mùa gây mưa.

Hình thái thời tiết này dự kiến sẽ kết thúc vào ngày hôm nay 23-8. Giữa tuần, trời sẽ hửng nắng. Tuy nhiên, đến cuối tuần, hình thái mưa rào và giông sẽ lặp lại. Do vậy, các tỉnh miền núi phía Bắc cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất do những ngày qua, đất đã ngậm no nước, rất dễ xảy ra tình trạng sạt lở.

- Nửa đầu năm 2016 (gần hết tháng 7), Biển Đông không hề có áp thấp hay bão, nhưng lại dồn dập 3 cơn bão trong gần 1 tháng qua. Đây có phải là diễn biến bất thường?

- Từ  ngày 27-7 đến 19-8, Biển Đông có 3 cơn bão, trong đó 2 cơn bão (bão số 1 và bão số 3) đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Đông Bắc bộ, bão số 2 dù đổ bộ vào Trung Quốc nhưng hoàn lưu cũng gây mưa lớn, thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Đáng nói, việc hình thành bão số 1 và bão số 3 khá  khác thường so với quy luật.

Trong đó, bão số 1 được hình thành từ vùng áp thấp ngoài Biển Đông nhưng càng đi sát vào đất liền càng mạnh lên. Đặc biệt, khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Nam Định, Thái Bình, bão số 1 “sống” rất lâu, từ 6-7 tiếng với sức gió giật cấp 11-12 đã gây ra thiệt hại nặng nề tới hơn 6.500 tỷ đồng.  Hiện tượng này, ngành khí tượng thủy văn chưa thể dự báo được để cảnh báo cho các địa phương.

Bão số 3 hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới. Sau khi tương tác với một áp thấp nhiệt đới khác, bão số 3 đã thay đổi hướng di chuyển, dịch chuyển dần xuống phía Nam, khi vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) bão đã mạnh lên và đổ bộ vào Hải Phòng, Thái Bình.

Do bão số 3 không mang theo gió mạnh nên các tỉnh, thành phố ở vùng tâm bão không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí còn không cảm nhận được bão đã đổ bộ, nhưng bão lại mang theo lượng mưa lớn, gây ngập lụt khắp các tỉnh đồng bằng Bắc bộ lên tới miền núi phía Bắc. 

- Qua 2 cơn bão trực tiếp đổ bộ vào Việt Nam vừa qua, nhiều người cho rằng, kết quả dự báo bão còn “non”?

- Ngoài yếu tố con người vừa thiếu vừa yếu, máy móc, công nghệ còn chưa theo kịp so với thế giới thì yếu tố khách quan cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả dự báo.

Đó là, bão số 1 và bão số 3 hoạt động trong thời kỳ chuyển tiếp giữa El Nino và La Nina, nhiệt độ mặt nước biển ở Vịnh Bắc Bộ trên 31 độ C, trong khi các tỉnh Bắc Trung bộ vừa trải qua đợt nắng nóng dài ngày làm cho khí quyển bất ổn định, có thể gây ra lốc xoáy cục bộ kèm gió giật mạnh so với các cơn bão bình thường. Bão còn kèm lốc xoáy, sấm chớp. Đây là các hiện tượng cực hiếm khi xảy ra trong cơn bão.

Ngoài ra, dưới tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động của bão ngày càng trái quy luật hơn về cường độ, tốc độ. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn thiếu số liệu quan trắc trên biển nên việc xác định đúng vị trí, cường độ thực tế của bão, đặc biệt là cấu trúc của bão rất khó khăn.

Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia đã kiến nghị Bộ TN-MT và Chính phủ quan tâm đầu tư nhằm tăng cường số liệu bão trên biển với hệ thống trạm phao, lắp đặt các trạm đo trên giàn khoan và xem xét đến khả năng bay thám sát bão bằng máy bay để xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển bão chính xác hơn.

- Từ nay đến cuối năm, tình hình bão, lũ sẽ diễn biến như thế nào, thưa ông?

- Trạng thái khí quyển đang ở trung tính, chuyển từ pha nóng El Nino sang pha lạnh La Nina. Hệ quả của quá trình chuyển đổi pha này dẫn tới mùa mưa bão ở nước ta sẽ kết thúc muộn, nhưng gió mùa Đông Bắc lại hoạt động sớm, mưa lũ sẽ xuất hiện với cường độ cao hơn năm 2015, đặc biệt là tại khu vực miền Trung.

Bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung nhiều hơn trên khu vực Nam Biển Đông và Trung bộ - Nam bộ. Dự báo, sẽ còn khoảng 6-8 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó 3-4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta.