Mùa hè cảnh giác với dịch tiêu chảy

ANTĐ - Mùa hè với khí hậu nóng, ẩm là thời kỳ cao điểm các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ, đặc biệt là bệnh tiêu chảy khiến cho nhiều trẻ phải nhập viện.

Tiêu chảy là một trong những bệnh phổ biến của trẻ mùa nắng nóng

Tiêu chảy là một bệnh rất phổ biến ở trẻ, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cũng có thể là hậu quả của chế độ ăn không đúng cách như thay đổi thức ăn cho trẻ đột ngột, cho trẻ ăn các thức ăn khó tiêu hóa, ăn quá nhiều hoặc ăn không đúng cách (cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến).

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mấy hôm nắng nóng số bệnh nhi liên quan đến bệnh tiêu chảy đến đây thăm khám khá đông.

Chị  Đinh Thị Phượng quê ở Thanh Sơn - Phú Thọ cho biết: “cháu nhà tôi bị mắc tiêu chảy hơn 7 ngày rồi, chắc là do tôi cho cháu ăn uống không đúng cách, tôi đã cho cháu đi viện điều trị ở huyện Thanh Sơn, nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm nên đã đưa cháu lên bệnh viện Nhi Trung ương khám. Các bác sỹ đã xét nghiệm cho cháu và kết luận cháu có dấu hiệu mất nước và nhiễm Rotavirus, sau mấy ngày điều trị cháu đã đỡ hơn rồi”.

Còn chị Ngô Thị Anh ở Đan Phượng, Hà Nội mẹ của bệnh nhân Đoàn Tiến Tài 5 tuổi cũng cho biết thêm, con chị bị đi ngoài 10 ngày kèm theo sốt, nên chị phải đưa cháu đi viện Nhi khám cách đây 4 hôm, hiện cháu đã đỡ sốt, nhưng vẫn còn ho nhiều kèm đi ngoài trên 10 lần/ngày. Do trời nắng nóng cháu không ăn được cơm nên chị cho cháu ăn vặt với đồ ăn nhanh. Có thể đó là nguyên nhân dẫn đến cháu bị đi ngoài và mất nước.

Thời tiết nắng nóng nên nhiều bà mẹ không để ý đến thức ăn cũng như kiểm soát chế độ ăn của con mình, dẫn đến việc trẻ nhỏ ăn uống không đảm bảo và dễ nhiễm bệnh. Do đó việc phòng tránh bệnh tiêu chảy cho trẻ nhỏ trong mùa hè là vô cũng cần thiết.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, để phòng tiêu chảy ở trẻ nhỏ, gia đình cần chú ý  đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh tay, xử lý chất thải đúng quý định. Ngoài ra, các gia đình cần sử dụng kháng sinh dự phòng khi du lịch vào vùng có nguy cơ cao. Khi có dấu hiệu: Đi ngoài nhiều lần phân lỏng (đi liên tục);  Nôn tái diễn, nôn nhiều làm trẻ không ăn uống được, Bệnh trẻ nặng hơn, có sốt hoặc sốt cao hơn; Trẻ rất khát nước; Ăn uống kém hoặc bỏ bú; Trẻ không tiến triển sau 2 ngày điều trị tại nhà... thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.