Mùa đại hội cổ đông ngân hàng: Lại "nóng" chuyện chia cổ tức

ANTD.VN - Áp lực tăng vốn khiến nhiều ngân hàng vẫn buộc phải lựa chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì bằng tiền mặt như mong muốn của các cổ đông.

Điệp khúc chia cổ tức bằng cổ phiếu

Đến thời điểm này, mới có Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chính thức thông qua phương án trả cổ tức bằng tiền mặt và chia cổ phiếu thưởng. Theo đó, tỷ lệ chia cổ tức là 26,5%, gồm 5,5% cổ tức bằng tiền mặt, 18% bằng cổ phiếu thưởng và 3% cổ phiếu quỹ. Đây là năm thứ 4 liên tiếp ngân hàng này chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, nếu được Ngân hàng Nhà nước thông qua tỉ lệ chi trả cổ tức.

Tổng giám đốc VIB Hàn Ngọc Vũ cho biết, việc chia cổ tức bằng tiền mặt 3 năm vừa qua đã tạo được sự hấp dẫn nhất định của ngân hàng với nhà đầu tư, số các cổ đông của VIB tăng mạnh, từ hơn 1.200 cổ đông năm 2016 nay đã có trên 5.000 cổ đông cho dù ngân hàng chưa niêm yết trên sàn chính thức.

Tuy nhiên, VIB là một trong số không nhiều các ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Theo báo cáo gửi các cổ đông của nhiều ngân hàng, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu vẫn chiếm ưu thế.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) trong ĐHCĐ mới đây cũng đã thông qua phương án chia cổ tức với tỷ lệ 16% bằng cổ phiếu. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, theo lãnh đạo Nam A Bank là nhằm tăng vốn điều lệ, tăng năng lực tài chính cho ngân hàng. Hiện, vốn điều lệ của ngân hàng này mới vỏn vẹn 3.350 tỷ đồng.

Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng lên kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tổng tỷ lệ 28% để tăng vốn lên 8.566 tỷ đồng…

Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), trong văn bản xin ý kiến cổ đông về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 cũng đã đề xuất phương án sau khi trích lập các quỹ bao gồm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ đầu tư phát triển hơn 3.924 tỷ đồng, số lợi nhuận chưa phân phối 3.431 tỷ đồng sẽ được giữ lại toàn bộ nhằm mục đích bổ sung vốn cho hoạt động của VPBank.

Dù lợi nhuận các ngân hàng tăng mạnh trong năm nay nhưng áp lực tăng vốn khiên nhiều ngân hàng chưa thể chia cổ tức bằng tiền mặt 

Riêng đối với khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, việc chia cổ tức còn liên quan đến kế hoạch thu chi ngân sách của Bộ Tài chính. Do vậy, dù đa phần các ngân hàng những năm trước đều đề xuất giữ lại lợi nhuận để tăng vốn nhưng không được chấp thuận.

Năm nay, Vietcombank được dự báo sẽ chia cổ tức như năm 2017, tức chi trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%. Tương tự, với BIDV, năm 2017 cũng đã chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, năm nay thì con số chưa được tiết lộ.

Áp lực tăng vốn

Việc các ngân hàng tiếp tục thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu là điều có thể dự đoán từ trước. Hiện tại các ngân hàng đang chịu sức ép tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính, nhất là để đáp ứng những tiêu chuẩn về an toàn vốn theo Basel II.

Đến nay, mới có 3 ngân hàng chính thức áp dụng chuẩn Basel II. Trong khi đó, theo mục tiêu Chiến lược ngân hàng, tới cuối năm 2025, tất cả các NHTM phải áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại NHTM nhà nước và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt.

Thêm nữa, việc tăng vốn không chỉ chịu áp lực Basel II mà còn liên quan tới phát triển hoạt động của ngân hàng. Theo đó, vốn càng lớn, thì hoạt động cho vay càng được mở rộng và phát triển. Cùng với đó, ngân hàng sẽ có thêm vốn để đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng, nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin…

Một điểm đáng lưu ý là hiện Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Trong đó, dự thảo Thông tư quy định các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.

Như vậy, nếu dự thảo Thông tư được thông qua thì việc chia cổ tức của nhiều ngân hàng không chỉ xuất phát từ nhu cầu của bản thân các ngân hàng mà còn được kiểm soát bởi Thông tư này. Ngoại trừ khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thì vẫn phải được NHNN lấy ý kiến thống nhất với Bộ Tài chính.

Thực tế, dù được “an ủi” rằng chia cổ tức bằng cổ phiếu tức là “cơm không ăn, gạo còn đó”, nhưng không phải cổ đông nào cũng hài lòng. Tuy nhiên, đòi hỏi tất yếu của lĩnh vực này trong điều kiện hiện nay thì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu dự đoán sẽ vẫn còn tiếp diễn.